Những quan chức “ký sinh” sẽ tiếp tục sống bám vào xã hội trừ phi hệ thống được thay đổi cơ bản.

Đã hai năm trôi qua kể từ khi ông Tập Cận Bình tiến hành một chiến dịch lớn để nhổ tận gốc nạn quan chức tham nhũng với mục tiêu cả “hổ” lẫn “ruồi”.

Kết quả đạt được cũng đáng khích lệ, với việc Từ Tài Hậu - cựu phó chủ tịch quân ủy TQ và Chu Vĩnh Khang - cựu Bộ trưởng Công an đã sa lưới cùng với hàng chục ngàn quan chức cấp thấp.

{keywords}

Ảnh: wordpress

Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu TQ - Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TƯ (CCDI) dẫn đầu là ông Vương Kỳ Sơn đã khiến các quan tham nước này phải run sợ mỗi khi nhắc tới cái tên. Tuy nhiên, Vương luôn lặp lại cảnh báo rằng, chiến dịch sẽ đi xa hơn.

Những khó khăn trong việc dập tắt tham nhũng đã được phản ánh trong một bài viết đang được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng TQ. Tác giả là Thái Hiểu Phong - một viên chức đã nghỉ hưu hiện là người phụ trách công ty gieo trồng và chế biến hoa quả ở Bắc Kinh. Câu chuyện của ông thu hút sự chú ý không chỉ vì ông và Vương Kỳ Sơn từng làm việc với nhau trong những năm 1980 mà còn là cách thức tham nhũng, quấy nhiễu của quan chức với các công ty đang góp phần thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Phát biểu trong một cuộc họp do chính CCDI tổ chức, Thái đã nêu chi tiết “những kẻ trộm cướp” trắng trợn, quấy nhiễu, tống tiền từ nhiều ban ngành khi lấy chính công ty ông làm ví dụ.

Ông nói, các quan chức thường đi xuống một nông trang hoa quả với các thành viên gia đình hay cấp trên “như ruồi vo ve” trong mùa hoa trái và đòi hỏi được vui chơi, giải trí, ăn uống trước khi rời đi với những thùng cây trái miễn phí.

Trước ngày Tết nguyên đán hay những dịp lễ khác, công ty ông thường xuyên bị quan chức đòi hỏi tiền và quà, cũng như cả chi phí tổ chức ăn uống, nghỉ ngơi thậm chí là gái gú. Những đòi hỏi nhiều tới nỗi, công ty ông phải thuê riêng hai người chuyên phụ trách việc này.

Sau đó, công ty của ông dự kiến chuyển một chi nhánh ở Bắc Kinh sang nơi khác. Tuy nhiên, kế hoạch bị trì hoãn tới hơn một năm cho đến khi công ty trả 50.000 nhân dân tệ (hơn 8.000 USD) hối lộ cho cơ quan thuế địa phương. Năm 2012, công ty đầu tư 1 triệu nhân dân tệ để mở cửa một quán bar ở khu phố nhộn nhịp, thuê mặt bằng giá 600.000 nhân dân tệ/năm nhưng phải mất 11 tháng mới xong đa phần giấy tờ cho dù đã mất 100.000 nhân dân tệ hối lộ. Tới khi giấy phép kinh doanh được chính thức chấp nhận, công ty phải quyết định đóng cửa vì cạn kiệt chi phí.

“Danh mục” tham nhũng tiếp tục kéo dài với việc quan chức ngành nước dọa phạt công ty 20.000 nhân dân tệ, quan chức môi trường đòi phạt 100.000 nhân dân tệ, quan chức phòng cháy chữa cháy đòi 30.000 nhân dân tệ vì cho rằng vòi cứu hỏa không đáp ứng chuẩn.

Trớ trêu là, khi giới lãnh đạo đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm sau hàng loạt bê bối những năm gần đây, thì vô hình trung quan chức cấp dưới lại càng có cơ hội kiếm tiền.

Theo ông Thái, trước khi một nhà máy thực phẩm khai trương, họ cần có hơn 400 giấy phép từ 18 ban ngành. Sáu năm sau khi công ty ông thành lập một nhà máy chế biến ở Bắc Kinh, ông vẫn phải chờ đợi khâu cuối cùng đê có thể bắt đầu dây chuyền sấy khô hoa quả cho dù công ty đã chi hàng triệu nhân dân tệ để đáp ứng các quy chuẩn đề ra.

Trong khi thừa nhận chiến dịch chống tham nhũng đã làm giảm đáng kể sự nhũng nhiễu của quan chức, thì ông Thái vẫn đề nghị một sự thay đổi mang tính hệ thống vốn đang tạo mảnh đất màu mỡ cho những gì mà ông mô tả là “chuột, ruồi và bọ chét”.

Thái An (theo scmp)