- Thường vụ QH cho biết sau khi thảo luận tại kỳ họp vừa rồi, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về việc MTTQ góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.
>> 'Không có gì tốt hơn dân thông qua MTTQ giám sát Đảng'
>>
'Chưa nên mở rộng giám sát, phản biện của MTTQ'
Loại ý kiến thứ nhất, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý cho biết tại phiên họp Thường vụ QH hôm nay (22/12), ủng hộ sự cần thiết phải quy định vấn đề này trong dự thảo.
"Bởi vì, Cương lĩnh của Đảng đã xác định MTTQ và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm 'tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước' và Đảng, Nhà nước phải 'có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội'", ông Lý nói.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng không nên không quy định vấn đề này vì không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo MTTQ” cũng được quy định tại dự thảo.
Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Minh Thăng |
Trong khi thường trực UB Pháp luật tán thành luật hóa vấn đề này thì Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhận định, trong thực tiễn hoạt động lập pháp, ngoài Hiến pháp không có văn bản pháp luật nào quy định về Đảng như một bên trong quan hệ pháp lý.
"Nhiệm vụ của MTTQ nên được hiểu là giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật, nghĩa là giám sát hoạt động của Chính phủ, chứ không phải là giám sát chủ trương, đường lối của Đảng", Chủ tịch MTTQ nói. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng băn khoăn nếu quy định MTTQ giám sát Đảng trong luật thì phải quy định cả trách nhiệm trả lời của Đảng trước MTTQ cũng như việc công khai các trả lời này.
Do đó, Chủ tịch MTTQ đưa ra quan điểm chính thức của tổ chức này là "MTTQ phải giám sát hoạt động của Đảng nhưng phải theo các văn bản của Đảng chứ không đưa vào luật là văn bản do QH ban hành".
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình để các văn bản của Đảng quy định về vấn đề này.
Cụ thể, năm 2013 Bộ Chính trị đã ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Phóng viên tòa án có thẻ thì không cần giấy giới thiệu?
Hôm nay, Thường vụ QH cũng thảo luận dự thảo Pháp lệnh quy định Hành vi vi phạm nội quy phiên toà hình sự, dân sự. Trong đó đáng chú ý có quy định: Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở, được coi là hành vi vi phạm nội quy phiên toà hình sự, dân sự.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thấy quy định này chưa rõ: “Nhất thiết có thẻ mới được vào không? Thẻ nhà báo 'to' hơn giấy giới thiệu tại sao còn hỏi giấy giới thiệu? Có phải thủ tục hành chính phiền hà, không rõ ràng không?..." Ông Hùng nhận định, tòa xét xử công khai thì nhà báo và dân chúng được theo dõi, nên tùy vào điều kiện vật chất để bố trí số lượng và vị trí cho hợp lý đối với các nhà báo.
Chủ tịch QH cũng lưu ý dự thảo quy định rõ hơn, thể hiện chặt để minh bạch, rõ ràng với người dân, chỉ quy định những gì liên quan đến phiên tòa chứ không nên mở rộng.
Chung Hoàng