- Đồng hành với tôi trong chuyến đi đến Liên Hợp Quốc một ngày đầu tháng 9/2014 là cuốn sách Đối thoại với Ban Ki-moon của nhà báo Mỹ Tom Plate. Cuốn sách có tựa "LHQ vận hành như thế nào: Từ trên cao nhìn xuống", tôi thì nghĩ chắc mình sẽ chỉ được nhìn ông Tổng thư ký từ xa.

>> 'Quá nhiều đau khổ do những kẻ hiếu chiến'
>>
Tường thuật từ tổng hành dinh LHQ trước thềm khóa họp 69

LHQ là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, có mặt ở tất cả các quốc gia, ở mỗi nước là hàng loạt cơ quan mang danh LHQ như UNDP, UNESCO, UNICEF*, chưa kể những nơi có mặt Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, với hàng nghìn nhân viên quốc tế và sở tại ở mỗi nước. Thật khó tưởng tượng tất cả họ đều làm việc cho một "ông sếp" - Tổng thư ký.

Người này khác hẳn với những nhân vật quyền lực trên thế giới như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga hay Chủ tịch Trung Quốc, vì đến nay mới chỉ có 8 người đảm nhận chức vụ này, trong đó ông Ban Ki-moon là người châu Á thứ hai.

Ông cũng khác với những vị trên vì dưới quyền lãnh đạo của ông không phải là một đất nước hay một dân tộc, mà là một đội ngũ hàng trăm nghìn nhân viên đến từ mọi châu lục, mọi quốc gia, mọi cộng đồng. Đến nỗi xuất thân châu Á của ông chẳng còn quan trọng, ông là một công dân thế giới. Càng khó tưởng tượng ông là người như thế nào.

{keywords}
Ông Ban Ki-moon trong cuộc gặp với chúng tôi. Ảnh: Chung Hoàng

Cuốn sách là cuộc trò chuyện của nhà báo Mỹ với vị Tổng thư ký LHQ năm 2012 để tìm hiểu người ở vị trí cao cấp đến vậy mà thế giới biết rất ít về tính cách của ông. Khi tôi đặt chân đến New York cuối năm 2014, dường như thế giới vẫn chỉ biết đến ông với tư cách cao cấp đó.

Đến giữa nhiệm kỳ thứ hai, nhà ngoại giao đến từ Hàn Quốc vẫn kín tiếng như ngày đầu. Nhiều người dường như vẫn đinh ninh Tổng thư ký LHQ là người tiền nhiệm Kofi Annan của ông.

Văn phòng của ông Ban nằm ở tầng 30 tòa nhà Ban thư ký LHQ ở trung tâm thành phố New York, Mỹ, nơi được chọn để đặt tổng hành dinh của tổ chức này vì nó chả khác gì cả thế giới này thu nhỏ lại. Âu, Á, Phi, giàu, nghèo, hiện đại, thiếu thốn, văn minh, lạc hậu, hoà bình, xung đột... đều hiện diện ở đây.

Bên trong tòa nhà cũng đủ mọi sắc cờ, màu da, 6 ngôn ngữ chính thức và không biết bao nhiêu ngôn ngữ không chính thức. Nhân viên LHQ di chuyển như những con thoi trong một tòa nhà không có giờ đóng cửa.

Họ có lẽ là những nhân viên văn phòng hành chính công mẫn cán nhất thế giới, phục vụ những công dân cách cả nửa vòng trái đất mà họ không bao giờ biết mặt.

Tòa nhà vốn có nhiều tầng an ninh và để có mặt tại văn phòng Tổng thư ký đúng như lịch đã xếp thì phải trải qua nhiều thủ tục an ninh nữa. Dù sao ông cũng là một trong những nhân vật quan trọng nhất thế giới. Thời gian chuẩn bị là một tiếng cho nửa tiếng gặp ông Ban Ki-moon.

Đúng giờ, ông Ban bước vào, nhanh nhẹn bắt tay từng vị khách, chụp ảnh kỷ niệm và ngồi vào bàn sẵn sàng cho cuộc nói chuyện. Ông có vài lời tâm sự với các nhà báo trước khi chính thức trả lời phỏng vấn với tư cách Tổng thư ký.

"Các bạn đang có mặt ở LHQ vào một thời điểm rất quan trọng. Ngày nào cũng quan trọng đối với LHQ nhưng đây là thời điểm đặc biệt quan trọng. Chúng ta sắp kết thúc 15 năm thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và phải chuẩn bị các mục tiêu mới cho sự phát triển bền vững của 15 năm tới.

Đến khi đó, có lẽ các bạn đều đã là những nhà báo gạo cội, thậm chí các chính trị gia. Nhưng dù ai có trở thành cái gì, mục tiêu của 15 năm tới vẫn là tất cả mọi người được sống không phải lo lắng về an ninh, an toàn, sống trong hòa bình, hợp tác và thịnh vượng", ông nói.

"Nhà báo các bạn chính là cầu nối LHQ, các lãnh đạo thế giới với người dân trên toàn cầu. Đó chính là lý do tôi gặp các bạn, dù các bạn đều biết tôi có lẽ là một trong những người bận rộn nhất thế giới. Nhưng tôi có lòng tin rất lớn ở các bạn, ở thế hệ trẻ, những người sẽ gánh vác thế giới này trong tương lai".

Ba mươi phút trôi qua rất nhanh. Kết quả là một bài báo về những trọng tâm sắp tới của phiên họp Đại hội đồng LHQ và một tấm hình kỷ niệm. Ông Ban phải quay lại công việc vì thực sự ông rất bận.

Nhiều nhân viên Ban thư ký LHQ “ghen tị” với cuộc gặp ngắn ngủi của chúng tôi, họ làm việc trong cùng tòa nhà mà chưa bao giờ gặp mặt chứ chưa nói đến bắt tay và chụp ảnh chung với ông sếp.

Nhưng tôi thấy ông Ban không khác gì họ và những người làm cho LHQ tôi đã gặp ở Việt Nam. Ông cũng làm việc trong những văn phòng giản dị treo đầy bản đồ thế giới, lúc nào cũng tâm niệm về những trách nhiệm của LHQ, luôn canh cánh những việc chưa làm được khi thời hạn đến gần. Ông cũng là một công chức tận tụy của thế giới.

Có khác thì chỉ là ông làm việc với những lãnh đạo hàng đầu, những nhân vật quyền lực, mà như chia sẻ với nhà báo Tom Plate trong cuốn sách, việc chính của ông là thuyết phục họ bên cạnh những lợi ích quốc gia và tính toán quyền lực, hãy cố gắng ít nhiều cân nhắc đến lập trường của các quốc gia khác và hệ quả đến toàn cầu.

Ông cũng như vậy trong suốt các sự kiện tôi theo dõi trong thời gian ở LHQ. Ông tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở người nghe về các mục tiêu phát triển, biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình...

Ông không nói về bản thân, giống như trong cuốn sách, đến trang cuối người nói nhiều hơn, thể hiện cá tính rõ hơn vẫn là nhà báo Tom Plate.

{keywords}
"Thế giới đang thừa vũ khí và thiếu tiền đầu tư cho hòa bình" - một dấu ấn của ông Ban Ki-moon trong tòa nhà LHQ. Bên dưới là bảng cập nhập chi phí quân sự mỗi ngày trên toàn thế giới. 
Ảnh: Chung Hoàng

Tôi kết thúc cuốn sách cùng lúc với chuyến đi, ông Ban Ki-moon ở trong sách và ông Ban Ki-moon tôi gặp, không khác gì nhau, đặc biệt ở thói quen đếm số nơi đã đặt chân. "Tôi đã đến đó, cả đó nữa, tổng cộng 55 thành phố, có những nơi tôi đã đến rất nhiều lần", ông nói khi nghe chúng tôi lần lượt giới thiệu đất nước mình.

Việt Nam chưa nằm trong số đó, mong rằng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ, ông Ban sẽ bổ sung ít nhất một thành phố của Việt Nam vào cái danh sách mà ông nhắc đến như một kế hoạch cá nhân. Ông muốn cố gắng đi đến nhiều nơi nhất có thể trên thế giới.

Tôi rời LHQ với thêm nhiều hành trang, trong đó có lời khuyên của ông Ban: "Hãy có tầm nhìn toàn cầu. Các bạn đến từ quốc gia nào không quan trọng, tấm hộ chiếu chỉ phục vụ mục đích hành chính. Các bạn là công dân toàn cầu, chúng ta đều sống trong một thế giới, chúng ta là một gia đình".

Vậy là tôi không phải đứng từ xa nhìn ông, tôi đã được đến gần nhìn ông và thay vì quan tâm ông là người thế nào, tôi nhìn về hướng mà ông đang nhìn.

Mặc dù không thể nói thay các nhân viên LHQ, nhưng tôi tin ông cũng đã làm được việc đó với họ, nhìn về cùng một hướng.

Chung Hoàng

* Chương trình Phát triển LHQ, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ