Luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định, kiến nghị của Bộ TT&TT xử lý báo Người cao tuổi là hoàn toàn có cơ sở.

Vừa qua, Thanh tra Bộ TT&TT đã thanh tra đột xuất đối với báo Người cao tuổi và phát hiện rất nhiều sai phạm tại tờ báo này. Tuy nhiên, ngay sau đó báo Người cao tuổi đã có "phản ứng" về quy trình tranh tra của Bộ TT&TT. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Theo tôi, trước hết, việc thực hiện thanh tra của Bộ TT&TT là đúng với quy định của pháp luật về thẩm quyền cũng như trình tự và thủ tục. Do đó, các quyết định, kiến nghị xử lý của Bộ TT&TT căn cứ vào kết luận thanh tra là hoàn toàn có cơ sở.

{keywords} 

Không có giấy phép báo điện tử, chỉ là một trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng đã thực hiện một số hoạt động đặc thù của báo như xuất bản tin, bài trực tiếp là sai phạm, do đó xử phạt bằng việc thu hồi Giấy phép trang thông tin điện tử, thu hồi tên miền www.nguoicaotuoi.org.vn là có căn cứ.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Bộ TT&TT có quyền kiến nghị tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền cách chức vị trí Tổng biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa. Đây là quyền của Bộ TT&TT khi nhận thấy sai phạm của Tổng biên tập, do đó, kiến nghị xử lý này cũng là hợp lý, đúng luật.

Báo Người cao tuổi cho đăng tải 3 bài báo khẳng định đoàn thanh tra của Bộ TT&TT có vi phạm về quy trình thanh tra. Theo luật sư, ý kiến này của báo Người cao tuổi có hợp lý không?

Việc Báo người cao tuổi thấy rằng kết luận thanh tranh của Bộ TT&TT không chuẩn xác theo quy định của pháp luật thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, việc viện dẫn mà báo Người cao tuổi cho rằng Bộ TT&TT vi phạm các văn bản pháp luật tôi cho rằng không thuyết phục.

Bởi, đây là hoạt động thanh tra chuyên ngành về quản lý nhà nước, chấp hành pháp luật, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, mà Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thì có quyền thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất đối với cơ quan báo chí.

Đã là thanh tra đột xuất thì không phải báo trước cho đơn vị bị thanh tra. Trong luật thanh tra cũng không có quy định, khi thanh tra cơ quan báo chí, phải trao đổi, thông báo với cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan báo chí đó. Kết luận thanh tra thì phải công bố theo quy định của luật thanh tra nếu nội dung thanh tra không phải là bí mật Nhà nước, do đó, việc công khai kết luận thanh tra cũng hoàn toàn đúng luật.

Việc viện dẫn mà Báo Người cao tuổi cho rằng Bộ TT&TT vi phạm các văn bản pháp luật tôi cho rằng không thuyết phục.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Đối tượng bị thanh tra có quyền giải trình các nội dung trong quyết định thanh tra và nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra. Tuy nhiên, pháp luật không quy định cho đối tượng bị thanh tra thời gian giải trình kết luận thanh tra.

Vì vậy, những trang báo của báo Người cao tuổi khẳng định đoàn thanh tra của Bộ TT&TT có những sai phạm nghiêm trọng với những viện dẫn kèm theo là không có căn cứ.

Quan điểm của ông về việc Bộ TT&TT tiến hành thanh tra báo Người cao tuổi cũng như việc Bộ này phát hiện và xử lý rất nhiều sai phạm tại các cơ quan báo chí thời gian qua?

Tôi đánh giá rất cao việc Bộ TT&TT phát hiện và xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí trong thời gian qua. Việc gì đúng thì khuyến khích, khen thưởng; việc gì chưa đúng, sai phạm thì phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, chứ không riêng gì Bộ TT&TT hay lĩnh vực báo chí.

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, sự quản lý của cơ quan chuyên ngành như Bộ TT&TT là vô cùng cần thiết, nếu không muốn môi trường truyền thông nhiễu loạn. Báo chí đưa tin phải có trách nhiệm, thực hiện rất cẩn trọng quy trình biên tập, thẩm định nguồn tin, thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ và luôn nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Có như vậy, báo chí mới phát huy được vai trò của mình. Việc báo chí khi đáng ra phải đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng lại lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để tham nhũng, tiêu cực thì đáng bị lên án, xử lý, và việc xử lý phải thật quyết liệt, có sức răn đe.

Qua theo dõi, ông có chia sẻ nào với các cơ quan báo chí trong hoạt động nghề nghiệp của mình?

Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, sai ở mức độ nào thì phải xử theo mức độ đó. Nếu phạm đến mức phải cách chức Tổng biên tập thì phải cách chức. Nếu sai phạm đến mức phải cách chức cũng là một bài học tạo điều kiện cho tờ báo củng cố về mặt nhân sự, củng cố về mặt tổ chức, tạo điều kiện cho tờ báo phát triển. Sự việc này không chỉ là bài học với chính báo Người cao tuổi mà tôi tin chắc còn ảnh hưởng lớn tới hoạt động của nhiều cơ quan báo chí khác.

Tôi thấy báo chí gần đây đang mải chạy theo thị hiếu, chạy theo doanh số, thậm chí chạy đua với công nghệ thông tin một cách chóng mặt, nhưng lại thiếu cái nhìn đúng đắn, chưa thấu hiểu sự bất cập của pháp luật dẫn đến không nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện. Cứ thấy có sự việc bức xúc, có nguồn tin nóng là nhanh chóng đưa bài, giật tít, thiếu cẩn trọng mà dẫn tới nhiều hệ lụy và rủi ro khó tránh.

Nhưng mỗi khi rủi ro xảy ra phải hết sức bình tĩnh. Xử lý báo chí là một vấn đề rất nhạy cảm. Nếu xử lý sai thì làm thui chột tính chủ động của người làm báo. Nhưng nếu anh xử lý nhẹ lại không có tính răn đe, làm cho tờ báo đó không còn tính đúng đắn trong vai trò kênh thông tin quan trọng đối với bạn đọc. 

Theo VTC News