Trong khi vị tướng hàng đầu quân đội Trung Quốc tới Mỹ, một sự kiện lan khắp Trung Quốc là lịch trình viếng thăm Hong Kong của tàu sân bay USS Carl Vinson.

Người Trung Quốc thường có quan điểm yêu - ghét với các chuyến viếng thăm cảng của tàu Mỹ, đặc biệt là Hong Kong. Một mặt, các sự kiện thường xảy ra trùng khớp với giai đoạn “tan băng” trong quan hệ ngoại giao Washington - Bắc Kinh và hải quân Mỹ coi đây là dấu hiệu của tình hữu nghị.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen và Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức họp báo tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AP 
Trung Quốc trong phần lớn trường hợp thường cho phép hoạt động này. Mặt khác, Trung Quốc cũng thường nhằm vào sự hăm hở của Mỹ khi cho tàu cập cảng Hong Kong khi coi đó là công cụ để thể hiện sự giận dữ với Washington nếu hai bên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Nhớ lại một trường hợp là việc Trung Quốc thẳng tay chặn nhóm tàu chiến đấu USS Kitty Hawk tới thăm Hong Kong vào dịp lễ Tạ ơn năm 2007 để trả đũa “hành động xấu” của Tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush do gặp gỡ với Đạt Lai Lạt Ma, và việc Washington tuyên bố bán hệ thống chống tên lửa Patriot cho Đài Loan. Kết quả là hơn 8.000 thủy thủ Mỹ đã phải quay lại giữa đường. Bị buộc trở lại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản,họ đã mất cơ hội gặp gỡ người thân tới Hong Kong trong dịp lễ này.

Được coi là biểu tượng sức mạnh hải quân Mỹ, chuyến viếng thăm của tàu Vinson không được nhiều người dân Trung Quốc hoan nghênh. Con tàu này được dùng để thủy táng Osama bin Laden hồi đầu tháng. Đáng chú ý là thời gian này, một trong những nước “thách thức” nhất với Trung Quốc trong chủ quyền hàng hải tại Biển Đông - khu vực biển mà Bắc Kinh có nhiều tranh chấp với một số quốc gia khác - là Philippines cũng chính là quốc gia mà Vinson đã có chuyến thăm hữu nghị trước khi tới Hong Kong.

Bất chấp những cảm giác phức tạp ấy, Bắc Kinh vẫn cho phép Vinson cập cảng Hong Kong vì chuyến thăm Mỹ của Tướng Trần Bỉnh Đức - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc mang lại cho họ nhiều lợi ích hơn.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Hoàng Tuyết Bình nói với báo chí ở Bắc Kinh vài ngày trước đây với sự phấn khích: “Quân đội Mỹ trong nhiều năm không mở cửa một số địa điểm nhạy cảm cho lãnh đạo quân sự Trung Quốc tới thăm. Lần này, đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã có những sắp xếp đặc biệt để phái đoàn quân sự Trung Quốc có thể thăm những nơi này. Đây là dấu hiệu cho thấy đô đốc Mullen coi chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, và cũng thể hiện quan điểm tích cực của phía Mỹ trong việc phát triển quan hệ quân sự hai nước”.

Trở lại chuyện bán vũ khí cho Đài Loan

Trong chuyến công du kéo dài cả tuần lễ tới Mỹ, ông Trần Bỉnh Đức đã thúc giục Mỹ chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan. Ông cho hay, một số nghị sĩ Mỹ đã nhất trí với ông rằng, đây là lúc xem xét lại luật để Washington cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.

Trong bài phát biểu tại đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington hôm thứ tư, ông Trần đã đôi lần đề cập tới vấn đề này. Theo ông, đó là nguyên nhân chính làm xói mòn quan hệ Mỹ - Trung. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc cùng ngày, ông Trần đã đề cập lại lần nữa khi được hỏi về việc phản ứng thế nào nếu Mỹ đáp ứng yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan.

"Kể từ khi đến Mỹ, tôi đã có dịp trò chuyện với một số thành viên quốc hội và họ nói với tôi rằng, đây là lúc Mỹ cần xem xét lại đạo luật Quan hệ Đài Loan - đạo luật cho phép Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan”, ông nói.

Trung Quốc đã ngừng những tiếp xúc quân sự với Lầu Năm Góc vào đầu năm ngoái, sau khi Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD. Tuy nhiên, từ tháng 1 năm nay, sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, quan hệ hai bên bắt đầu ấm dần.

Trong chuyến công du của phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc tới Mỹ tuần trước, lãnh đạo quân sự Trung - Mỹ đã cố gắng tìm ra con đường hòa hợp hơn, góp phần cải thiện quan hệ quân sự song phương.