- Sau khi bị Việt Nam phản đối về việc các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã có một số bình luận.

>> Cắt cáp dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển

Bà Khương Du nói trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của bộ này rằng: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”.

Giống như mọi tuyên bố sau khi xảy ra những tranh chấp ở Biển Đông với các bên liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định: "Trung Quốc đã cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên có liên quan để tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp liên quan”.

Hồi đầu tháng 3, tại các khu vực tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông đã liên tiếp xảy ra những vụ việc có liên quan tới tàu, máy bay Trung Quốc. Trước phản ứng của Nhật, Philippines, ngày 8/3, phát biểu với báo chí ở Bắc Kinh, bà Khương Du từng quả quyết: "Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông. Trung Quốc tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng tham vấn thân thiện với các quốc gia khác”.

Trở lại vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh. Hôm 27/5, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của PVN đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Do đó, việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ của mình theo Công ước này.

Tàu hải giám 84 của Trung Quốc. Ảnh: sina.com
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Biển Đông được coi là nơi cung cấp lộ trình vận chuyển quan trọng cho thương mại hàng hải toàn cầu và với các nền kinh tế Đông Á vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Đây còn là vùng đa dạng sinh học cực lớn, nguồn thủy sản dồi dào, và được tin là rất giàu tài nguyên dầu khí.

Trong bài nghiên cứu về Biển Đông đăng trên tạp chí Hàng hải và Thủy sản quốc tế KMI, tác giả Nazery Khalid khuyến cáo: "Vì lợi ích chung của các nước trong khu vực, Biển Đông cần được xem là nền tảng của sự thịnh vượng hơn là nơi tranh chấp hay đấu khẩu. Các quốc gia liên quan tới tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên tự mình chấp nhận một tư thế linh hoạt hơn, ít hiếu chiến hơn trong vùng biển. Sẽ không có tác dụng trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng vùng biển khi mỗi người tham gia cuộc chơi có hành động gây hấn hay quan điểm cứng rắn để đảm bảo tuyên bố chủ quyền của mình. Và, con đường hòa bình thông qua các kênh ngoại giao cần được khai thác triệt để hơn là con đường dẫn tới căng thẳng gia tăng ở Biển Đông".