- Phát biểu tại phiên thảo luận báo cáo giám sát của QH về tình hình oan sai sáng nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa chỉ ra vấn nạn hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai, giống như lỗi của hệ thống báo cháy.

Ông Nghĩa đặt câu hỏi phải chăng những vụ việc đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha rất sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải viết cam kết là họ không bị đánh.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhiều luật sư phản ánh các bị can, bị cáo cho biết tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình tương tự như các vụ đã phát hiện diễn ra không tránh được ở nhiều vụ án.

ĐB cũng đánh giá hệ thống kiểm tra chéo giữa 3 cơ quan: điều tra, viện kiểm sát và tòa án có hiệu lực không cao, có tình trạng nể nang nhau.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: "Trong 15 vụ oan sai, bao nhiêu vụ do bản thân hoặc gia đình người bị oan tự minh oan, bao nhiêu trường hợp do người khác nhận tội mà nếu không thì người kia tiếp tục không được minh oan, bao nhiêu do cơ quan điều tra tự phát hiện, hay do báo chí, dư luận xã hội...?"

Dẫn con số báo cáo giám sát cho thấy các trại tạm giữ, tạm giam để xảy ra 78 vụ tự sát, bà Khá đặt câu hỏi có ai dám đảm bảo trong 78 vụ đó không có vụ nào do oan sai, không nói được dẫn đến tự sát?

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Khá

"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, Nhà nước phải tìm ra sự thật, nguyên nhân tại sao còn để xảy ra những vụ oan sai kéo dài cả chục năm như báo cáo, và trên thực thế, không ai biết còn bao nhiêu vụ oan sai nữa chưa được phát hiện", ĐB Trà Vinh nhấn mạnh.

Trọng cung

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh sự tồn tại của quan điểm suy đoán có tội, dấu ấn của tư duy địch - ta, tình trạng trọng cung hơn trọng chứng, bị cáo đã nhận tội rồi là kết thúc vụ án, không cần đầu tư thu thập chứng cứ nữa.

ĐB TP.HCM còn cho rằng có cán bộ tư pháp có biểu hiện suy thoái đạo đức công vụ, vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với tội phạm, lạm dụng và thích sử dụng nhục hình, cho nhục hình ở mức độ nào đó là cần thiết, các nước phát triển cũng có, từ đó làm ngơ, thậm chí bao che khi xảy ra vi phạm.

"Bức cung, nhục hình không phải đa số, không phải bức tranh chủ đạo nhưng cũng không phải là quá cá biệt, không thể xem nhẹ", ông Nghĩa nói.

ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đồng ý với báo cáo giám sát về nguyên nhân dẫn đến bức cung, nhục hình là do cán bộ "yếu kém trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích, do sức ép dư luận mà mong muốn nhanh phá án, tìm ra thủ phạm".

Gây án oan phải bồi thường

ĐB Nguyễn Thị Khá yêu cầu làm rõ nguyên nhân chậm bồi thường cho các nạn nhân vụ án oan cũng như mức độ xử lý những điều tra viên cố ý hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai.

"Ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì cá nhân họ có phải bồi thường gì không, nhất là trong các trường hợp sử dụng bức cung nhục hình mà dẫn đến oan sai?" - ĐB Khá hỏi.

{keywords}
ĐB Lê Đình Khanh

Tình trạng bồi thường chậm chạp, cầm chừng này, theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phân tích, là do "hình như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn tâm lý của người dân đi đòi bồi thường".

"Việc thừa nhận mình làm sai là quá khó đối với các cơ quan tố tụng, dẫn đến những thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian, có những vụ đòi bồi thường đến 9-10 năm chưa xong", ông Huỳnh Nghĩa nói.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) còn chỉ ra tình trạng có khoảng cách quá xa giữa yêu cầu của người đòi bồi thường và mức bồi thường họ nhận được trên thực tế, "thậm chí có trường hợp phát sinh một vụ kiện tụng mới kéo dài liên quan đến việc bồi thường".

Về điều này, theo ĐB Nguyễn Thị Khá, chính những cá nhân có vi phạm dẫn đến oan sai, ngoài việc bị xử lý, cũng phải chịu trách nhiệm một phần trong việc bồi thường tùy theo mức độ sai phạm, chứ không đổ hoàn toàn lên ngân sách nhà nước.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng