-  Dẫn đầu xếp hạng về cải cách hành chính năm 2014 vẫn là 2 gương mặt thân quen từ năm ngoái: Đà Nẵng và Bộ GT-VT. Bộ GD-ĐT đứng gần chót bảng, chỉ trên bộ KH-CN.

Sáng nay, Bộ Nội vụ công bố kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, tỉnh thành năm 2014 (PAR Index).

Những cái tên cũ tiếp tục được xướng tên ở vị trí dẫn đầu với Đà Nẵng là quán quân của nhóm tỉnh, thành với 92,54%. 

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Kết quả xếp hạng cho thấy hầu hết điểm số các tỉnh đều tăng, ghi nhận lần đầu tiên có tỉnh thành đạt trên 90%. Đứng chót bảng là tỉnh Bắc Kạn. 

Bộ GTVT đứng đầu nhóm bộ, ngành với điểm số 81,83%. Kế sau là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ. 

Đáng chú ý, không có bộ nào có điểm dưới 70%. Bộ KHCN đứng chót bảng, áp chót là Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, kết quả cho thấy khoảng cách giữa các bộ ngành, tỉnh thành thu hẹp, chỉ số chỉ đạo điều hành cải cách hành chính cao nhất so với các chỉ số khác.

“Điều này cho thấy các bộ ngành, tỉnh, thành đã có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu, nghiêm túc nhận rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính”, ông Tuấn nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, nếu không cải cách hành chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của địa phương. Kết quả chỉ số PAR index có tác động tích cực đến lãnh đạo địa phương, giúp lãnh đạo địa phương nhận diện khách quan, chính xác những gì được và chưa được để có giải pháp.

Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung cho rằng, điều quan trọng không phải điểm số, thứ hạng mà qua kết quả, mỗi địa phương nhận rõ khâu nào yếu để chấn chỉnh kịp thời. Năm 2013, TPHCM tụt hạng, từ thứ 3 xuống vị trí thứ 9. Nhờ nỗ lực cải cách, TPHCM tăng lên bậc 6.

Nói về bí quyết 3 năm liên tiếp dẫn đầu trong cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho rằng, muốn phát triển phải cải cách hành chính, đi đôi phát triển kinh tế, cải cách hành chính cũng phải đi đầu.

Phụ thuộc vào nhà nước “bơm sữa”?

Là bộ đứng thứ 17/19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng việc đánh giá còn phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi ngành, mỗi địa phương khác nhau… Thậm chí còn phụ thuộc vào việc nhà nước có “bơm sữa” hay không.

“Có bệnh viện không có cơ sở vật chất tốt, người dân không hài lòng nhưng nếu nhà nước bơm tiền đầu tư người dân hài lòng ngay. Cái đấy có phải là công lao của Bộ Y tế đâu?”, ông dẫn chứng.

Ông cũng cho rằng việc đánh giá công tác cải cách hành chính còn phải xét đến khía cạnh phía sau của quản lý nhà nước. Có những việc người dân thấy thông thoáng thì thích nhưng cơ quan quản lý có thấy được các lỗ hổng trong quản lý không? Hay như việc tinh giản biên chế không phải bộ ngành nào cũng như nhau.

“Như Bộ Y tế được đòi hỏi phục vụ một cách toàn diện, tôi nói thật, mơ 100 năm nữa cũng chưa được với đội ngũ như vậy. Ngay cả việc đưa rô bốt vào mổ thì cũng là con người điều khiển, cả ê kíp đó còn nhiều hơn ê kíp mổ trực tiếp”, ông Tiến phân tích tùy vào từng việc, từng ngành để đánh giá cho sát.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng nhìn nhận, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn tồn tại một số chỉ số thành phần chưa đạt yêu cầu đề ra, cũng như chưa đáp ứng được mong muốn của người dân và xã hội. Như chỉ số về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chỉ đạt chưa đến 60% đối với các bộ ngành và hơn 68% đối với các tỉnh thành.

Xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2014 các bộ, cơ quan ngang bộ

Thứ tự Tên bộ, cơ quan ngang bộ Điểm
1 Giao thông - Vận tải 81,83
2 Tài chính 81,54
3 Ngân hàng Nhà nước VN 80,48
4 Ngoại giao 80,07
5 Nội vụ 80,05
6 Văn hóa - Thể thao - Du lịch 78,97
7 Kế hoạch - Đầu tư 78,78
8 Tài nguyên - Môi trường 78,69
9 Tư pháp 78,27
10 Xây dựng 78,03
11 Thanh tra Chính phủ 77,66
12 Công thương 76,15
13 Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 75,42
14 Thông tin - Truyền thông 73,88
15 Lao động - Thương binh và Xã hội 73,72
16 Ủy ban Dân tộc 73,57
17 Y tế 73,55
18 Giáo dục - Đào tạo 71,19
19 Khoa học - Công nghệ 71,00

Nguồn: Bộ Nội vụ

Thu Hằng