- Lần đầu trình dự thảo luật Báo chí sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến trước UB Thường vụ QH hôm nay.

Tránh can thiệp sâu

Thẩm tra dự luật, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH nêu 12 điểm còn bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh.

Căn cứ điều 25 Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, UB này không đồng tình việc dự thảo luật phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân.

Giải trình điểm này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son dẫn Tuyên ngôn 1948 của LHQ - mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm, bao gồm quyền tự do quan điểm mà không bị ai xen vào, quấy rối, tự do tìm kiếm, thu thập và quảng bá tin tức, tư tưởng trên mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới - để cho thấy Hiến pháp 2013 và dự thảo luật Báo chí sửa đổi hoàn toàn thống nhất, không mâu thuẫn, đều là quyền tiếp cận thông tin và biểu đạt thông tin.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi.Ảnh: Cổng TTĐT QH

Về quy định đảm bảo tự do báo chí, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH lưu ý có đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

"Quy định như vậy làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. 

Đề nghị tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ", Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nói.

Không khuyến khích sao chép

Liên quan đến các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể về báo điện tử, nhưng không nên quy định về trang tin điện tử tổng hợp.

"Ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép bài vở của họ, bởi đây là cách gián tiếp giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và lượng phát hành báo in. 

Dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… vô hình trung khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền", Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nói.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đưa trang tin điện tử vào luật điều chỉnh là thừa nhận báo chí tư nhân

Cơ quan thẩm tra cho rằng hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội được điều chỉnh bằng bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự, luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng tình với điểm này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định các trang thông tin điện tử và mạng xã hội không phải là báo chí. 

"Nếu đưa vào luật để điều chỉnh thì vô hình chung thừa nhận, hợp thức các trang này là báo chí, là thừa nhận báo tư nhân", Bộ trưởng cho biết Nghị định số 72 năm 2013 đang dùng để quản lý các trang thông tin điện tử tổng hợp hiện nay có thể được nâng lên thành luật.

Nhưng Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng không đồng tình.

"Không đưa vào luật thì hóa ra việc khó thì không quản lý trong khi đây là vấn đề đang rất nhức nhối trong xã hội".

Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước băn khoăn luật mới tập trung quanh những vấn đề trong tầm tay, do nhà nước sinh ra và quản lý. 

Nhưng thực tế hiện nay người dân đang tiếp nhận thông tin từ mọi nguồn trong và ngoài nước, "thật ra cái gì cũng là báo chí", kể cả phản hồi trên các báo điện tử.

Trưởng ban Dân nguyện QH cũng gọi ý kiến của người dân là các tác phẩm báo chí. "Cứ đọc comment trên các báo điện tử là biết suy nghĩ của người dân, rất ít có ý kiến lạc hậu, là biết cuộc sống thật của xã hội".

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển yêu cầu làm rõ khái niệm "báo chí".

"Nếu quy định là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đại chúng thì chắc chắn các trang nhật ký cá nhân không phải là báo chí. Nhưng cũng phải làm rõ đây là cách hiểu báo chí theo luật này chứ không phải là cách hiểu về báo chí của thế giới" - ông Hiển nêu.

Chung Hoàng