- Lấy ví dụ câu chuyện của nữ sinh bị phát án clip nhạy cảm trên mạng dẫn đến tự tử, Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luật hóa yêu cầu bảo vệ thông tin riêng trên mạng.

Thảo luận dự thảo luật An toàn thông tin mạng tại QH hôm nay, bà Hải dẫn câu chuyện đau lòng: "Gia đình em không biết cầu cứu đến ai, cơ quan nhà nước nào để ngăn chặn, họ phải chịu mọi áp lực lớn, khiến một người thân đã phải thốt lên 'Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu!'.

Nhưng tất cả vẫn bất lực vì không có hành lang pháp lý nào để sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phát tán các thông tin này trên mạng".

{keywords}
Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải

Từ đó, bà Nguyễn Thanh Hải chỉ ra đã có quy định tầm dưới luật phân biệt thông tin công cộng có thể công khai và thông tin riêng không công khai hoặc công khai hạn chế. Theo đó, clip nhạy cảm của nữ sinh vốn là thông tin riêng nhưng vì lý do nào đó đã bị biến thành thông tin công cộng, giám tiếp gây ra cái chết của em.

"Bộ luật Dân sự đã có quy định về bảo vệ bí mật riêng tư, bộ luật Hình sự đã có chế tài với người xâm phạm bí mật cá nhân. Nhưng tôi có quan điểm phòng hơn chống, cần có các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, ứng cứu khẩn cấp, ngăn chặn kịp thời việc phán tán, lan truyền các thông tin trên mạng, thì chưa chắc câu chuyện đã có kết thúc đau lòng như vậy", bà Hải nói.

Dó đó, Phó Chủ nhiệm VPQH băn khoăn khi dự thảo luật An toàn thông tin mạng "bỏ ngỏ" việc bảo vệ thông tin riêng với lý giải là đã có các văn bản pháp luật khác quy định: Các quy định đã có chỉ mới nói đến việc xử lý khi có vi phạm, còn luật này phải phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn.

"Đây là việc khó về mặt công nghệ nhưng thực sự cần thiết trong đời sống ngày nay, khi việc chia sẻ, trao đổi thông tin riêng trên mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người, cũng không phải vấn đề riêng của VN", bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Bà một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ thanh thiếu niên trước các tác động tiêu cực của internet, mặt trái của xã hội, và tin rằng luật An toàn thông tin mạng là một cơ hội để làm việc đó.

Ngăn "dội bom" tin nhắn quảng cáo

Trong khi đó, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) lại bức xúc trước tình trạng số điện thoại và danh tính bị thu thập và phát tán trái phép.

{keywords}
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang

"Không ít người, trong đó có chính các ĐBQH, đã và đang bị quấy rối bởi các tin nhắn mời mua bất động sản, bảo hiểm, trúng thưởng hoặc rao bán số điện thoại... Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là mua được danh sách hàng chục ngàn thuê bao di động kèm theo tên tuổi, nghề nghiệp và khả năng mua sắm, các đối tượng phát tán tin nhắn rác cứ thế mà 'dội bom' quảng cáo", bà Trang phản ánh.

"Ai cũng biết là thông tin cá nhân của mình có thể đã bị phát tán trái phép, nhưng không biết từ đâu, làm thế nào ngăn chặn".

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chia sẻ bức xúc này: "Khi sử dụng các dịch vụ điện tử, người dùng phải kê khai các thông tin cá nhân theo yêu cầu của các nhà mạng, nếu không được bảo vệ thì sẽ bị sử dụng trái phép. Thực tế, người dùng điện thoại di động đang phải hàng ngày phải nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn rác quảng cáo".

Do đó, ĐB Hà Nội đề nghị bổ sung vào luật trách nhiệm của nhà mạng, bên cạnh trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo luật An toàn thông tin mạng dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.

Chung Hoàng - Ảnh: Hoàng Long