- Cuộc điện thoại từ tòa lãnh sự Việt Nam ở San Francisco mang đến một lời mời khiến bà Phùng Tuệ Châu bất ngờ.
“Tôi có làm được gì đâu mà mời”, qua đầu dây điện thoại, bà Phùng Tuệ Châu thốt lên khi nghe tiếng bà Cao Vũ Mai điện từ tòa lãnh sự Việt Nam tại San Francisco cách đây không lâu.
XEM CLIP:
Bà Châu, chủ đài Tiếng quê hương, San Francisco (Mỹ) không nghĩ rằng sẽ có lời mời đặc biệt về tham dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9.
Một kiều bào Mỹ xa quê hương lâu như bà tự nhận lâu nay sự kết nối với trong nước chủ yếu là những chương trình hướng về quê hương do mình sản xuất.
Nhưng như bà Châu quảng bá, ý nghĩa của chương trình ở chỗ là nơi giao lưu mật thiết giữa Mỹ và VN, tranh đấu để những người chống Cộng ở nước ngoài còn hận thù Nhà nước hiểu và hướng về lại đất nước.
“Chúng tôi rất vinh dự được mời về dự đại hội thi đua yêu nước lần này. Tôi hy vọng sự vinh dự của tôi sẽ lôi cuốn các Việt kiều khác còn tha thiết với quê hương noi theo tiếng nói, hành động của chúng tôi để trở về phục vụ cho đất nước”, bà nói với VietNamNet.
Bà cũng tâm sự, mỗi lần trở về VN lại thêm lần nhìn thấy sự thay đổi của đất nước.
“Người dân của mình sống rất thanh bình”, bà chia sẻ.
Trăn trở về nghị quyết 36, bà cho hay, Nhà nước đã mời gọi kiều bào về và mong muốn có sự hòa hợp, hòa giải với bà con ở hải ngoại. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người có suy nghĩ cực đoan, hướng về dĩ vãng và còn chống đối.
“Tuy nhiên sự chống đối đó bây giờ đã lạc hậu rồi, nhất là từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ vừa rồi. Đó là một thắng lợi của Đảng và Nhà nước VN mình”, bà vui vẻ nói.
Tiền không phải vấn đề quan trọng nhất
Có mặt trong đoàn kiều bào về dự đại hội thi đua yêu ước, ông Bùi Minh Phong, Chủ tịch Hội người VN tại Hungary đánh giá cao các chính sách thu hút trí thức kiều bào trở lại làm lãnh đạo các viện nghiên cứu, hoặc có những quỹ hỗ trợ các trí thức nghiên cứu.
Ông Bùi Minh Phong, Chủ tịch Hội người VN tại Hungary |
“Tôi nghĩ đây là cố gắng của Đảng và Nhà nước. Tất nhiên để nghiên cứu tốt phải có tiền. Có lẽ Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn. Tiền không phải vấn đề quan trọng nhất mà là việc tạo cho các trí thức kiều bào một môi trường làm việc thích hợp, tạo điều kiện để người ta nghiên cứu được”, ông chia sẻ.
Đánh giá các chính sách đối với kiều bào gần đây rất thoáng, ông cho rằng, những ai có cơ hội đều được Nhà nước kêu gọi về đầu tư.
“Chúng tôi làm trong công tác chuyên môn cũng nhận được nhiều ưu ái từ trong nước”, kiều bào Hungary phát biểu.
Chia sẻ tâm tư, ông Phong cho rằng, những người Việt từ đất nước ra đi, vì các điều kiện khác nhau phải ở lại nơi đất khách quê người nhưng trái tim lúc nào cũng ở lại đất nước.
“Chúng tôi cũng mong được đóng góp một điều gì đó cho đất nước. Nếu có thể làm được gì, chúng tôi đều cố gắng làm hết sức mình”, ông Phong khẳng định.
Thu Hằng - Đức Yên - Huy Phúc
MỜI BẠN ĐỌC THÊM VỀ ĐH THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC: |