- Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính sáng nay (18/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: Cán bộ đừng đẩy việc khó cho dân, dành việc có lợi cho mình... Thủ tục tốt nhưng cán bộ cũng phải tốt.

Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương dự hội nghị đều cho rằng, phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo thành công cho cải cách. 

Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu

Các đại biểu nhận định, thủ tục thông thoáng đến đâu nhưng nếu cán bộ thực hiện nhũng nhiễu thì cải cách không đạt được kết quả như mong muốn.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Lê Nhung
Nói như một vị Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, dù cải cách thủ tục đến bước nào nhưng điều quan trọng là lương tâm, trách nhiệm của công chức. Do đó, một trong các trọng tâm sắp tới là củng cố đạo đức công vụ. Ngoài việc bản thân từng người phải tự rèn luyện và trau dồi năng lực thì cả hệ thống phải cùng vào cuộc giám sát. Theo vị này, khi đã xây dựng được quy chế làm việc thì kèm theo phải là quy trình giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nên ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Có như vậy mới hạn chế được sự lệ thuộc của người dân vào đạo đức cán bộ, công chức.

Thực tế, như đánh giá của Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, "cải cách thủ tục hành chính là một công việc khó khăn, phức tạp và đụng chạm nhưng không phải vì thế mà không làm được".

Để cải cách đạt kết quả mong muốn, đại diện tỉnh Điện Biên cho rằng biện pháp quan trọng là phải xử lý nghiêm những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vi phạm.

Một trong những trọng tâm được Chính phủ định hướng thời gian tới đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân để mang lại niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Theo đề xuất của ông Nguyễn Đình Cung (Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương), việc đánh giá cán bộ phải có địa chỉ rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh mới mong tạo chuyển biến.

Nếu lãnh đạo không có tư tưởng cải cách

Đánh giá kết quả cải cách 6 tháng đầu năm, ông Ngô Hải Phan cho rằng, tuy hệ thống cơ quan kiểm soát thủ tục mới được thành lập nhưng cũng đã thực hiện đạt kết quả một khối lượng công việc lớn, như xây dựng được quy chế, công cụ để kiểm soát thủ tục.

Các bộ, ngành cũng đã ban hành và trình lên cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa được 63% thủ tục hành chính.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, cải cách là một việc khó khăn và đụng chạm. Do đó, nếu lãnh đạo từng bộ ngành, địa phương mà không có tư tưởng cải cách thì cấp dưới cũng không có động lực thực hiện.

Điều khiến cho lãnh đạo nhiều địa phương tâm tư là mặc dù đã đơn giản hóa nhiều thủ tục giải quyết khúc mắc cho người dân nhưng vẫn còn nhiều thủ tục liên quan đến cơ chế phối hợp trong nội bộ cơ quan công quyền chưa được làm rõ.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, hầu như toàn bộ quy trình nội bộ phối hợp công việc giữa các cơ quan nhà nước vẫn còn chưa được đụng đến. Như phân tích của một vị đại diện TP Hồ Chí Minh, chỉ khi nào làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan công quyền thì mới có thể làm rõ được trách nhiệm cá nhân. Có như vậy quá trình cải cách mới ý nghĩa.

  • Lê Nhung

Kiểm soát thủ tục từ 'trứng nước'
Các quy định về thủ tục hành chính sẽ được theo dõi để đánh giá tác động ngay từ khi mới là dự thảo.
 
Chỉ mong một nền hành chính khiêm tốn và đơn giản
GS.TS. Bùi Thế Vĩnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính) chia sẻ nguyện vọng về một nền hành chính trong đó chính phủ lắng nghe dân và doanh nghiệp, cán bộ công chức lễ độ, thủ tục hành chính dễ hiểu, dễ làm.