- Một trong những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo - Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói trước Quốc hội sáng nay (21/7).
Báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng cho hay, đứng trước tình
hình quốc phòng, an ninh diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan
tâm chỉ đạo củng cố, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội.
Chính phủ đã thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên Biển Đông. Chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, các diễn đàn quốc phòng - an ninh khu vực và tiếp xúc song phương, đa phương.
Ông Nguyễn Sinh Hùng: Xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế, vốn, đất
đai, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Anh Dũng
Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong 6 tháng cuối năm là "bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo; tăng cường sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng".
Tăng trưởng chậm lại
Theo Phó Thủ tướng, 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát và đạt được một số kết quả.
Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình căng thẳng ở Biển Đông tăng lên. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại.
Cụ thể, giá tiêu dùng tháng 6 so với cuối năm ngoái đã tăng 13,29%, vượt mức được Quốc hội thông qua (không quá 6%). Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010.
Lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, khu vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn thấp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, một số đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Thị trường chứng khoán khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm.
Ổn định giá trị đồng tiền
Trong điều kiện như vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội là một thách thức lớn - Chính phủ nhận định. 8 mục tiêu, nhiệm vụ phải làm trong 6 tháng cuối năm đã được đề ra.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ xác định nhiệm vụ phải tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất xuống mức phù hợp để hỗ trợ kinh doanh.
"Kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền là mục tiêu trung và dài hạn", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, phải thực hiện nhất quán chính sách tài khóa. Đó là tăng cường quản lý, giám sát nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài, bảo đảm trong giới hạn phù hợp, an toàn.
Mặt khác, tiếp tục bảo đảm ổn định cung cầu hàng hóa, không để xảy ra đột biến giá. Các ngành phải tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa thiết yếu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, một mục tiêu quan trọng khác là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, trong tiếp cận vốn. Xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế, vốn, đất đai, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Phó Thủ tướng, cần tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bất động sản để tạo kênh huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực tài chính, đất đai phục vụ phát triển.
Thời gian tới, cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt các mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, hàng xa xỉ, nguyên liệu thô…
"Xây dựng cơ chế khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu, công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu giàu tiềm năng", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế, Chính phủ cũng xác định phải tập trung để làm tốt hơn các nhiệm vụ về an sinh xã hội. Chẳng hạn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, xây nhà cho người thu nhập thấp, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%... Thực hiện điều chỉnh sớm hơn lộ trình tăng lương tối thiểu theo vùng của khu vực doanh nghiệp và quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường.
Thực tế, như báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, giá cả tăng đã tác động mạnh đến đời sống dân nghèo, là một trong những nguyên nhân bùng nổ đình công. Chỉ trong 6 tháng, đã có 440 cuộc đình công.
Tránh tăng tiền vào cuối năm
Tán thành với các mục tiêu của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đưa ra nhiều khuyến cáo trong thực hiện các nhiệm vụ sắp tới.
Ông Hà Văn Hiền: Chính phủ
và địa phương phải khẩn trương rà soát thống nhất tiêu chí cắt giảm,
đình
hoãn các dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép với cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát", Chủ nhiệm Ủy ban, ông Hà Văn Hiền nói.
Ủy ban Kinh tế đề xuất từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Chính phủ và địa phương phải khẩn trương rà soát thống nhất các tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công. Chính phủ cũng nên sớm triển khai các phương án miễn giảm thuế để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định trong thời gian qua chủ yếu do thực hiện các biện pháp quản lý thị trường và quản lý ngoại hối. Trong khi đó, yếu tố cơ bản bảo đảm cân đối ngoại tệ quốc gia và ổn định tỷ giá là kiểm soát nhập siêu thì lại chưa được cải thiện căn bản. Do đó, phải chỉ đạo quyết liệt và áp dụng các biện pháp quản lý xuất nhập khẩu, quản lý thị trường…
Ủy ban này cho rằng, dù tình hình 6 tháng cuối năm còn khó khăn nhưng các giải pháp của Chính phủ là hợp lý, do đó, cần tiếp tục kiên trì thực hiện nhất quán và cương quyết để đạt mục tiêu đề ra.
Chiều nay (21/7), Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày một số phương án miễn, giảm, giãn các loại thuế.
Dân chủ thảo luận, sáng suốt chọn người xứng đáng Phát biểu khai mạc, Tổng Bí
thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung trọng tâm kỳ họp - quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê
chuẩn nhân sự cấp cao - sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ
chức bộ máy nhà nước trong suốt nhiệm kỳ. Ông cũng kiến nghị
QH khóa này dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi
hiến pháp 1992 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI.
“Căn cứ vào thực tế tình hình
đội ngũ cán bộ hiện có, chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn, kinh nghiệm
công tác và chiều hướng phát triển… đề nghị các vị đại biểu QH dân chủ thảo
luận, sáng suốt lựa chọn để bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức
danh lãnh đạo chủ chốt, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tạo sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị” - Tổng Bí thư yêu cầu.
Lê Nhung