- Không cho rằng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ xuê xoa với Chính phủ mà ông nhiều năm là thành viên, trái lại, các đại biểu đều mong ông sẽ phát huy chính lợi thế này.
VietNamNet hỏi chuyện nhanh một số ĐBQH bên hành lang nghị trường, sau khi tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ra mắt hôm qua (23/7).
Phó trưởng đoàn ĐBQH Thái
Nguyên Đỗ Mạnh Hùng:
Mong Chủ tịch QH phát huy được lợi
thế
Lãnh đạo QH ngoài tiêu chí chung về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và đặc biệt sự tín nhiệm thì phải đáp ứng những yêu cầu riêng, đó là phải giữ liên hệ mật thiết và gần gũi với cử tri.
QH là cơ quan quyết định những vấn đề lớn của đất nước, nên lãnh đạo QH vừa phải có tầm nhìn chiến lược vừa phải am hiểu cụ thể để xử lý nhiều vấn đề mới phát sinh.
Đại biểu chúc mừng ông Nguyễn Sinh Hùng đắc cử Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thứ nhất, đã từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng như lãnh đạo Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng trong Chính phủ nên ông có nhiều kinh nghiệm và rất am hiểu hoạt động Chính phủ. Vì thế khi lãnh đạo QH, ông sẽ có nhiều trải nghiệm để chỉ đạo việc giám sát có hiệu quả hơn.
Còn nếu ai đó băn khoăn về việc vì ông ấy từng làm Phó Thủ tướng nên sẽ không quyết liệt khi điều hành các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ khác, tôi sẽ nói rằng, cơ chế của chúng ta là tam quyền nhưng không phải phân lập mà có sự phân công, thống nhất và kiểm soát dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi tin với kinh nghiệm ở Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho Chủ tịch QH hoạt động tốt. Bởi vì mỗi người khi đóng ở một vị trí, vai trò nào đó sẽ phải đặt mình trong vai trò mới.
Như theo dõi ở địa phương, tôi thấy rằng nhiều người từng làm ở ủy ban nhân dân các cấp khi được bầu sang hội đồng nhân dân vẫn giám sát rất tốt chứ không có chuyện xuê xoa.
ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh
Hóa):
Chọn lãnh đạo trên uy tín cá nhân
Điều quan trọng khi chúng tôi chọn người lãnh đạo QH là phải dựa trên các tiêu chí về cán bộ, về tài đức, năng lực và những cống hiến.
Thứ hai là dựa trên uy tín cá nhân và đóng góp của người đó với tiến trình phát triển của dân tộc.
Những tiêu chuẩn về cán bộ đã được Đảng làm rõ trong chiến lược cán bộ và với từng chức danh lại có những yêu cầu cụ thể. Dựa trên các yêu cầu đó để các ĐBQH chúng tôi quyết định và chọn lựa một cách dân chủ nhất.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng
Nai):
Thông cảm với khó khăn của Chính phủ, điều hành sát
hơn
Tôi luôn kỳ vọng mỗi nhiệm kỳ QH lại có thêm nhiều điều tốt đẹp
hơn. Với đội ngũ lãnh đạo của QH nhiệm kỳ 13, tôi đặt niềm tin nơi
họ.
Kỳ vọng Chủ tịch Quốc hội mới sẽ điều hành tốt hơn nhờ thâm niên ở Chính phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trường hợp tân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chẳng hạn. Có khả năng Chủ tịch sẽ phải tự xem xét mình. Vì ông Nguyễn Sinh Hùng là người hành pháp quá lâu. Hành pháp là quan hệ trên dưới, thủ trưởng với nhân viên, nên hành xử đôi khi thành thói quen. Còn sang QH, đóng vai Chủ tịch sẽ rất khác.
QH là nơi tập hợp, tạo sự đồng thuận, một tiếng nói chung thuyết phục lẫn nhau, nên nếu cứ giữ thói quen cũ thì sẽ gây phản cảm.
Nhưng tôi luôn nghĩ, con người sẽ thay đổi được.
Mặt khác, tôi cũng kỳ vọng ông Nguyễn Sinh Hùng đã làm bên Chính phủ, lại ở vị trí rất then chốt nên chắc chắn ông sẽ thực hiện giám sát Chính phủ sát hơn.
Cũng có người sợ Chủ tịch QH mới sẽ thông cảm với Chính phủ vì ông từng ở đó nhiều năm. Tôi lại cho rằng, thông cảm được sẽ tốt, nhất là khi Chủ tịch QH hiểu được những khó khăn của Chính phủ thì điều hành sẽ tốt hơn, sát sao hơn, không chỉ có mặt giám sát hiểu theo nghĩa là sát phạt, phê phán, mà kể cả tìm ra phương thức để giải quyết những vấn đề chung.
Đó là mong ước của tôi, còn thực tế thì phải chờ kết quả.
Lê Nhung