Việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clintion đưa ra bình luận về vấn đề Biển Đông vào hôm chủ nhật vừa qua đã bị Nhật báo Trung Quốc coi là động thái làm xáo trộn lần nữa vùng biển đã yên bình trở lại.
Trong bài bình luận đăng tải hôm qua (27/7), Nhật báo Trung Quốc đã ca ngợi việc nước này và ASEAN vào tuần trước ở Bali, Indonesia đã nhất trí về những hướng dẫn mới để thực thi Tuyên bố về các hành xử của các bên ở Biển Đông.
Tờ báo viết: "Lần đầu tiên, cơn bão trên Biển
Đông trong suốt hai tháng qua bắt đầu có dấu hiệu dịu lại. Kết quả đáng ca ngợi
này đại diện cho cam kết của các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp để giải
quyết vấn đề theo con đường song phương và trong hòa bình". Tuy nhiên, nhật báo
này bình luận: "Khi cây muốn lặng, mà gió chẳng muốn dừng".
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp song phương tại Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters |
Tờ báo nói rằng, đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc và ASEAN, với nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và bội ước tuyên bố của chính mình rằng, Mỹ sẽ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp, Ngoại trưởng Clinton đã khuyến khích phần còn lại của thế giới cân nhắc về vấn đề này và đảm bảo tranh chấp không vượt ngoài tầm kiểm soát. Báo này thậm chí còn nhấn mạnh, ngay cả khi Trung Quốc - ASEAN đạt được thỏa thuận, bà Clinton vẫn thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền "xác định rõ ràng và giải quyết vấn đề theo Công ước LHQ về Luật Biển".
Theo Nhật báo Trung Quốc, phát biểu của bà Clinton đã làm phức tạp thêm vấn đề và đẩy khu vực vào vòng xoáy tranh chấp một lần nữa.
Bài bình luận đăng trên báo này nhiều lần nhắc tới biện pháp ngoại giao và giải quyết vấn đề một cách hòa bình, rằng tranh chấp cần được xử lý ở mức độ song phương giữa các bên liên quan trực tiếp, và sự can thiệp từ bên ngoài trong vấn đề này không được hoan nghênh.
Tuyên bố chủ quyền phải gắn với bằng chứng pháp lý
Tại hội nghị an ninh lớn nhất của châu Á (ARF), bà Clinton đã kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra tuyên bố chủ quyền với bằng chứng pháp lý. Theo bình luận của hãng Reuters, đây là một thách thức đối với Trung Quốc khi nước này tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. "Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên làm rõ những tuyên bố của họ ở Biển Đông trong điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà khẳng định. "Tuyên bố với không gian hàng hải ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ tuyên bố chủ quyền hợp pháp với đặc điểm đất liền”.
Tại Bali, bà Clinton đã nói với các đại biểu, trong đó có Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng, tất cả các bên cần tôn trọng tự do hàng hải và hoạt động hàng không ở lộ trình thương mại quan trọng trong Biển Đông và tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Bà cảnh báo, tranh chấp Biển Đông đe dọa phá vỡ một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Bà nói, sự gia tăng của các hành động “hăm dọa, cắt cáp, đụng độ … hay kiểu như vậy sẽ gia tăng chi phí hoạt động cho tất cả mọi người... Điều quan trọng với chúng tôi là ủng hộ tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở”.
Về việc Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN nhất trí về dự thảo hướng dẫn cách hành xử ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines del Rosario đã phàn nàn rằng, điều khoản trong dự thảo không ăn khớp, thậm chí các hướng dẫn sẽ là vô nghĩa, còn Ngoại trưởng Mỹ thì coi đó chỉ là “một bước đi đầu tiên quan trọng” tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.
Trung Quốc và 4 nước ASEAN - Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam - đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, với bản đồ hình chữ U bao trùm hầu hết vùng biển này. Trung Quốc luôn nói muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khi tuyên bố duy trì các tuyên bố chủ quyền lịch sử với toàn bộ vùng biển trải dài tới tận bờ biển của một số nước Đông Nam Á.
Trung Quốc luôn khăng khăng đòi giải quyết tranh chấp chủ quyền hàng hải trên cơ sở song phương hơn là đa phương, một chiến lược mà các nhà phê bình mô tả là cách thức “chia để trị”.
Trong những tháng gần đây, căng thẳng Biển Đông đã gia tăng. Cả Việt Nam và Philippines đều chỉ trích những hành động gây hấn của Trung Quốc như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, đe dọa hay làm hư hỏng các tàu thăm dò, tàu cá, bắn vào ngư dân ở khu vực mà hai nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới.
Khi căng thẳng leo thang, Trung
Quốc đã từng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở khu vực
tranh chấp trong vùng biển này, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của
mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền
với nhiều nước khác.
Thái An