Các vùng biển và đại dương nên là tài sản của nhân loại, không chỉ thuộc về một hay một vài siêu cường nào - báo Korea Times của Hàn Quốc đăng bài bình luận của hai nhà nghiên cứu Choi Yearn-hong và Koh Choong-suk về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trung Quốc giải thích việc xâm nhập vào vùng chủ quyền của nước khác ở Biển Đông và Hoa Đông bằng cách sử dụng những lý do địa lý và lịch sử của những chuyến hành trình cổ xưa tới các vùng biển xa.

Nước này có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Thời gian gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc có những hành động khiêu khích trong khu vực.

Ảnh: Getty Images
Trung Quốc cũng đụng chạm với Nhật Bản ở biển Hoa Đông xung quanh việc thăm dò dầu, khí tự nhiên và các tài nguyên khoáng sản quanh quần đảo Senkaku. Gần đây nhất, Trung Quốc thậm chí can thiệp vào hoạt động cứu hộ mà Hàn Quốc tiến hành với một tàu vận chuyển than bị chìm ở khu vực đường trung tuyến trên vùng biển của Hàn.

Biển Hoa Đông và Biển Đông không phải là các đại dương, mà là vùng biển hẹp có sự chia sẻ bởi nhiều quốc gia láng giềng. Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền với khu vực 200 hải lý như các vùng đặc quyền kinh tế hay phía ngoài thềm lục địa của mình ở các vùng biển này. Nghe có vẻ vô lý hoặc đế quốc.

Tòa án quốc tế từng sử dụng lý thuyết thềm lục địa để giải quyết tranh chấp giữa Đức - Đan Mạch và Hà Lan ở Biển Bắc, và Trung Quốc đang sử dụng quyết định của tòa án này như một tiền lệ. Kể từ khi phán quyết được đưa ra, phần lớn các tranh chấp biên giới hàng hải được giải quyết bằng lý thuyết đường trung tuyến giữa hai quốc gia ven biển. Chính sách đường trung tuyến có thể khiến các quốc gia tuân thủ một cách mạnh mẽ, giản đơn và dễ dàng.

Trung Quốc và Hàn Quốc đã không giải quyết được đường biên giới hàng hải trên biển giữa hai quốc gia. Điều này không nên là cái cớ để Trung Quốc can thiệp một cách tùy tiện vào nỗ lực cứu hộ tàu chìm của Hàn Quốc. Trung Quốc đã từng làm một điều vô lý tương tự khi Hàn Quốc xây dựng tháp nghiên cứu đại dương ở đảo đá ngầm Leodo. Người phương Tây đặt tên đảo này là Socotra Rock vào năm 1900. Đảo nằm trong phạm vi đường trung tuyến của Hàn Quốc.

Trung Quốc đang khiêu khích các quốc gia láng giềng ở vùng biển hòa bình. Vào cuối tháng 5 và giữa tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu thăm dò khi các tàu này hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc tự mình đưa ra tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, bằng cách dẫn dắt những bản đồ cổ xưa với phía nam kéo dài tới tận bờ biển phía bắc của Malaysia. Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Sự ngờ vực và nỗi quan ngại của châu Á về Trung Quốc là dựa trên các tham vọng lãnh thổ mà nước này đưa ra mà giờ đây là việc theo đuổi nhiều hơn các nguồn tài nguyên dưới biển.

Tham vọng của Trung Quốc cần được cân bằng bởi nước Mỹ như một đối tác của các nước châu Á - Thái Bình Dương và bởi một liên minh châu Á thống nhất được trang bị công lý và công bằng trong cộng đồng quốc tế.

Thế giới nhìn vào cách hành xử của Trung Quốc, và cần chú ý tới tuyên bố của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế của họ là “vùng cấm” với hải quân nước ngoài. Đã tới lúc xem xét lại các quyền về vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới ngoài thềm lục địa. Các vùng biển và đại dương nên là tài sản của nhân loại, không chỉ thuộc về một hay một vài siêu cường nào.

Điều tốt nhất có thể chấp thuận được về phân định ranh giới hàng hải nên là một đường trung tuyến ở các vùng biển hẹp và nhỏ giữa các quốc gia ven biển.

Thái An (theo Korea Times)

Chiều nay, Chính phủ báo cáo Quốc hội về Biển Đông
Chiều nay, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của Việt Nam.
 
Việt-Trung giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình
Việt Nam và Trung Quốc thống nhất giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
 
Tàu sân bay Trung Quốc và chuyện Biển Đông
Tuyên bố về việc Trung Quốc đã tân trang lại một tàu sân bay dường như khá 'hợp thời' để giành lợi thế ngoại giao trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.