Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, một động thái đầy ý nghĩa thể hiện sức mạnh hải quân đang trỗi dậy và dường như cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và những quốc gia hàng hải châu Á nhỏ bé hơn, trong đó có Philippines xung quanh vấn đề chủ quyền với các đảo ở Biển Đông.

Con tàu nặng 67.000 tấn, đã hoàn thành cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển trong bối cảnh hải quân Mỹ nỗ lực biểu dương lực lượng ở vùng biển tranh chấp và chiếc tàu chiến lớn nhất từ Mỹ được chuyển giao cho hải quân Philippines, con tàu thuộc lớp Hamilton. Con tàu này gần đây được đổi tên là BRP Gregorio del Pilar, đang trên đường từ California tới Philippines.

Tổng thống Philippines chuẩn bị thăm Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng vì vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh: sofwnow

Nó khá nhỏ nếu so với tàu sân bay Trung Quốc, nhưng các quan chức hải quân Philippines không ngại ngần khẳng định, con tàu (với những mục đích khác) sẽ được sử dụng để bảo vệ các lợi ích hàng hải của Philippines ở các vùng nước gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Theo các quan chức hải quân Philippines, con tàu sẽ được sử dụng để tuần tra ở gần khu vực Palawan, nơi nước này đã xây dựng các tiền đồn và dựng cờ để khẳng định chủ quyền sau những vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc trong năm tháng qua.

Ba ngày sau hành trình của tàu sân bay Trung Quốc, Mỹ cũng thể hiện sự quan ngại của họ với chuyến thăm tuần trước của tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Hong Kong. Theo giới phân tích, chuyến thăm của USS Ronald Reagan kéo dài bốn ngày dường như khẳng định với người Trung Quốc về sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Biển Đông.

Chính quyền của Tổng thống Philippines Aquino đang đối mặt với thách thức chủ quyền trong khi bị sụt giảm tín nhiệm qua các cuộc thăm dò dư luận với những chỉ trích ngày càng gia tăng về năng lực quản lý các vấn đề nội địa, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay lại càng chất thêm gánh nặng cho Manila khi họ từng mạnh mẽ tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc đất của Philippines cho bên tuyên bố chủ quyền đối lập tại các khu vực tranh chấp. Cuộc thử nghiệm tàu sân bay Trung Quốc được các nhà quan sát coi là dấu hiệu gia tăng sức mạnh hải quân. Tờ International Herald Tribune (IHT) dẫn lời Tân hoa xã nói rằng, động thái hạ thủy con tàu “mang tính biểu tượng cao của nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm tạo ra sự hiện diện của một tàu sân bay ở ngoài khơi Trung Quốc thuộc vùng biển Thái Bình Dương”.

Những lý lẽ

Con tàu từng mang tên Varyag đã được Trung Quốc nâng cấp. Theo IHT, nó được cho là sẽ trở thành tàu sân bay hiện đại nhất trong hạm đội của Liên Xô, nhưng công việc xây dựng dừng lại giữa chừng khi Liên Xô sụp đổ. Ukraine sau đó đã gỡ động cơ và hệ thống vũ khí trên tàu rồi rao bán. Một công ty Trung Quốc mua lại Varyag với giá 20 triệu USD cùng danh nghĩa biến tàu thành sòng bạc nổi. Công việc nâng cấp con tàu bắt đầu ở Đại Liên năm 2004.

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố con tàu phần lớn sử dụng để nghiên cứu khoa học và huấn luyện. Theo IHT, các nhà phân tích nước ngoài cho rằng, có thể phải mất một thập niên hay nhiều hơn thế để Trung Quốc có thể triển khai và vận hành một hạm đội tàu sân bay.

Andrei Chang, biên tập tạp chí Kanwa Defense Review tại Hong Kong nói: “Đó là dấu mốc quan trọng với họ, không chỉ với hải quân, mà còn là bước đi đầu tiên trong một hành trình dài”.

Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng nhấn mạnh, con tàu không làm thay đổi chính sách của nước này - lực lượng vũ trang hoàn toàn mang mục tiêu phòng thủ và con tàu “sẽ không làm gì” liên quan tới chuyện tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo IHT “một hạm đội tàu sân bay sẽ thúc đẩy lợi thế quân sự của hải quân Trung Quốc trước hải quân của các nước láng giềng nhỏ hơn”.

Trong một bài xã luận, Tân hoa xã khẳng định: “Không nên quá lo lắng hay hoang tưởng về việc Trung Quốc theo đuổi tàu sân bay”. Nhấn mạnh hải quân Trung Quốc là lực lượng hải quân thứ 10 trên thế giới có tàu sân bay, hãng tin này viết: “Nó sẽ không đe dọa các nước khác, và các nước khác nên chấp nhận thực tế rằng, chúng tôi đang phát triển tàu sân bay”.

Tuy nhiên, theo Financial Times, những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc lại không “ngoại giao” như vậy. Trích dẫn một diễn đàn thảo luận trực tuyến, tờ báo nói có người cho rằng: “Trung Quốc là siêu cường tiếp theo của thế giới, chỉ có điều chúng ta không thừa nhận điều đó với thế giới bên ngoài mà thôi”.

Thái An (theo Philippines Daily Inquirer) 

Philippines dùng chiến hạm lớn nhất tuần tra bờ biển
Bên lề hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN ở Hà Nội, Philippines cho hay sẽ dùng con tàu lớn nhất trong lịch sử mới mua từ Mỹ vào việc tuần tra bờ biển.
 
Thử TQ, Philippines tiếp tục thăm dò dầu khí Biển Đông
Philippines sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông và coi đó như một phép thử cho thỏa thuận khu vực đạt được với Trung Quốc tuần trước nhằm làm dịu căng thẳng ở vùng biển này.
 
'Mắng' Philippines, TQ nói chủ quyền không tranh cãi ở Biển Đông
Trung Quốc hôm nay khẳng định, Philippines đã vi phạm chủ quyền của họ bằng cách cử đoàn đại biểu chính khách tới một khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
 
TQ 'nổi đóa' với chuyện nghị sĩ Philippines thăm Trường Sa
Hôm nay, 5 nghị sĩ Philippines dự kiến sẽ tới thăm quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Trung Quốc nói kế hoạch này có thể làm tổn hại tới quan hệ song phương.