Thăm dò dầu khí và các hợp đồng sản xuất dầu trong
tương lai tại Biển Đông sẽ là một chủ đề nóng khi Tổng thống Philippines thực
hiện chuyến công du chính thức đầu tiên tới Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Hồ Cẩm
Đào ở Bắc Kinh tháng này.
Ông Benigno Aquino - vị lãnh đạo đang có những
vướng mắc với Bắc Kinh về các sự cố gần đây giữa tàu thuyền Philippines và Trung
Quốc quanh khu vực tranh chấp ở Biển Đông - đã nhận lời mời chính thức của ông
Hồ Cẩm Đào. Việc các quan chức ngoại giao, quốc phòng cao cấp tháp tùng ông đã
nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến công du.
"Với tôi, quan trọng là
trò chuyện với mọi người, đặc biệt là phía bên kia", ông Aquino nói trong
một diễn đàn báo chí tuần trước khi đề cập tới Trung Quốc. "Có thể chúng tôi
sẽ đạt được một thỏa thuận. Sau tất cả, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề mà ở
đó, cuộc sống con người có thể bị đe dọa".
Tổng thống Philippines Aquino từng tuyên bố chính phủ
của ông sẽ bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá và
mọi
cách. Ảnh: thewest
Khác với ông Aquino, ông
Hồ Cẩm Đào có vẻ vẫn kín tiếng về vấn đề nhạy cảm là quần đảo Trường Sa. Cuộc
gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước diễn ra giữa lúc Manila lên kế hoạch
tổ chức đấu thầu 15 hợp đồng thăm dò dầu khí trị giá 7,5 tỉ USD - một động thái
khiến Bắc Kinh phản ứng.
"Có thể phải trả giá cao cho bất kỳ xét đoán
sai lầm nào về vấn đề Biển Đông của các nước như Philippines", một bài xã
luận đăng trên Nhật báo Trung Quốc mạnh mẽ lên tiếng
Các hợp đồng thăm dò
dầu khí của Manila bao gồm khu vực 10,3 triệu ha tại các vùng nước nông và sâu ở
các lòng chảo của Tây Bắc Palawan, Đông Palawan, biển Sulu, Mindoro-Cuyo,
Cagayan, Luzon và Cotabato. Quan chức Philippines cho hay, trữ lượng của khu vực
này ước tính đạt 5 tỉ thùng dầu và hàng chục nghìn tỉ mét khối khí đốt, đủ để
đáp ứng ít nhất 30% nhu cầu năng lượng của Philippines. Các hợp đồng thăm dò đã
thu hút sự quan tâm của những hãng dầu lớn từ Anh, Australia, Canada, Mỹ và
những nước khác.
Theo Bộ Năng lượng Philippines, hai tập đoàn nhà nước
Trung Quốc là Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và China
Union Global Holdings Ltd cũng đã tham gia đấu thầu. Cả hai hãng này đã có những
cuộc thương thảo với Tập đoàn Thăm dò dầu khí quốc gia Philippines, đặc biệt là
những khu vực ngoài khơi giàu tiềm năng dầu khí của tỉnh Palawan, phía tây
Manila. "Về điều kiện tài chính, pháp lý và kỹ thuật, chúng tôi không thấy
bất cứ vấn đề gì", Thứ trưởng Năng lượng Philippines Jose Layug nói.
Ông nhấn mạnh, CNOOC và China Union Global Holdings cùng các công ty dầu
khí nước ngoài khác đã đệ đơn xin thăm dò các lô thậm chí trước khi căng thẳng ở
Biển Đông gia tăng.
Cuộc gặp song phương với nhiều vấn đề nan giải diễn
ra giữa lúc Washington lên tiếng thúc giục về một cuộc đàm phán hòa bình giải
quyết tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á đều có tuyên bố
chủ quyền với Biển Đông.
Dù không phải là nước tuyên bố chủ quyền, nhưng
Mỹ khẳng định họ coi tự do hàng hải và dòng chảy thương mại ở Biển Đôg là một
phần trong lợi ích quốc gia của mình. Cuộc đối thoại giữa ông Aquino và ông Hồ
Cẩm Đào sẽ trùng khớp với hội nghị hàng năm của Ủy ban Phòng thủ chung Mỹ -
Philippines tại Hawaii.
Các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và
Philippines dự kiến sẽ bàn thảo về những vấn đề địa chính trị, bao gồm cả chuyện
tranh chấp quần đảo Trường Sa và động thái quân sự ngày một gia tăng của Trung
Quốc ở Biển Đông. Tuần trước, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay đầu tiên ra thử
nghiệm trên biển, làm gia tăng mối quan ngại trong các láng giềng châu Á về tham
vọng hải quân của nước này.
Trong bối cảnh ấy, chuyến đi của Tổng thống
Aquino sang Trung Quốc có thể bị coi như một sự "nhượng bộ" với thái độ khăng
khăng của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp với các bên tuyên bố chủ
quyền khác ở Biển Đông bằng con đường song phương thay vì đa phương như
Washington và ASEAN đề xuất. Giới phê bình cho rằng, quan điểm giải quyết tranh
chấp bằng cách song phương của Trung Quốc là chiến lược "chia để trị".
Nếu ông Aquino và ông Hồ Cẩm Đào không đạt được thỏa thuận trong các
cuộc hội đàm, thì Manila từng bóng gió rằng, họ tìm kiếm sự can thiệp của Tòa án
quốc tế về Luật biển. LHQ đã thiết lập tòa án này để giải quyết các tranh chấp
xung quanh việc làm sáng tỏ Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Cả Philippines
và Trung Quốc đều nằm trong số các nước đã ký công ước.
"Philippines
đã sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình phù hợp với luật pháp quốc tế trong khuôn
khổ UNCLOS", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói. Tuyên bố chủ
quyền của Trung Quốc về Biển Đông dựa trên bản đồ 9 đoạn tự đưa ra bao trùm hầu
hết vùng biển.
Ông cảnh báo, nếu không bị thách thức,
tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có thể đe dọa tự do hàng hải, thương mại không
cản trở của các quốc gia khác. Dự kiến trong chuyến công du, ông Aquino sẽ còn
đề cập tới vấn đề tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vào khu vực mà Philippines
tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Manila đã phàn nàn về việc ít nhất có bảy vụ
việc xảy ra giữa tàu và máy bay Philippines - Trung Quốc ở Biển Đông kể từ tháng
2 năm nay, trong đó có cả vụ hải quân Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines hay
Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí thuộc sở hữu của hãng Forum Energy
Plc, Anh.
Hãng này đã tiến hành thăm dò dầu khí ở Reed Bank, cách tỉnh
Palawan 80 hải lý. Theo quan chức Philippines, Reed Bank nằm trong phạm vi vùng
đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo quy định của UNCLOS và cách
đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 575 hải lý. Dựa vào số liệu thăm dò của Forum,
Reed Bank có trữ lượng 96 tỉ mét khối khí tự nhiên và 440 triệu thùng dầu.
Trong một vụ việc khác, một máy bay quân sự Philippines khi đang tuần
tra ở Biển Đông đã bị quấy nhiễu bởi một máy bay nước ngoài (được cho là từ
Trung Quốc). Trung Quốc cũng đã xây dựng các cấu trúc ở Iroguois Reef-Amy
Douglas Bank gần Palawan mà Manila tuyên bố chủ quyền. Các công trình này sau đó
đã bị hải quân Philippines tháo dỡ.
Trong khi khẳng định Philippines rõ
ràng không muốn sự đối đầu thì Tổng thống Aquino cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ
của ông sẽ bảo vệ lãnh thổ "bằng mọi giá và mọi
cách". Ông nói: "Những gì của chúng ta là của chúng ta và những gì tranh
chấp có thể chia sẻ".
Thái An (theo
Atimes)