Đảng cầm quyền Nhật Bản đã bầu Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda làm lãnh đạo mới của đảng, mở đường cho ông này trở thành thủ tướng với gánh nặng chồng chất từ người tiền nhiệm Naoto Kan.

Yoshihiko Noda (phải) và cựu thủ tướng Nhật Naoto Kan. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo mới đã được xướng tên, nhưng những thách thức cũ vẫn còn. Vị thủ tướng thứ sáu của Nhật trong vòng năm năm qua sẽ "thừa hưởng" hàng loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp diễn ở Fukushima, tái thiết cả vùng ven biển phía đông bắc bị tàn phá sau động đất, sóng thần và giá cả đồng yên tăng vọt.

Đó là chưa đề cập tới những thách thức lâu dài: thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ với một đất nước từ lâu khát khao sự ổn định chính trị để giải quyết các vấn đề phải đối mặt.

Kinh tế sẽ vẫn là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của tân thủ tướng: Với gánh nặng suy giảm bởi thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3 kéo theo khủng hoảng hạt nhân, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng "khiêm tốn" trong mùa thu này. Tuy nhiên, do kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nên nước Nhật đang bị đe dọa bởi sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu kết hợp với giá đồng yên tăng vọt.

Nợ công của Nhật Bản cũng gần gấp đôi quy mô nền kinh tế. Vị thủ tướng mới sẽ đối mặt với sứ mệnh có ra quyết định hay không về con đường thắt lưng buộc bụng. Chính phủ nước này cũng cam kết tăng gấp đôi 5% thuế tiêu thụ vào năm 2015 để góp phần khôi phục tài chính công đang bị hạn chế và ngân quỹ cho các chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn.

Vấn đề hạt nhân vẫn là tâm điểm trong chính phủ mới, khi cuộc khủng hoảng Fukushima tiếp tục diễn ra làm xói mòn lòng tin của người dân với năng lượng hạt nhân. Ông Kan đã từng cam kết sẽ dứt bỏ sự phụ thuộc của Nhật vào năng lượng hạt nhân, nhưng lại không nói rõ quốc gia này có thể gia tăng các khả năng từ những tài nguyên năng lượng khác thế nào để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Nhật Bản cũng đối mặt với khả năng thêm nhiều lò phản ứng phải đóng cửa để bảo dưỡng, với khả năng tất cả các lò phản ứng của nước này có thể bị đóng cửa vào tháng 5/2012 làm tăng nguy cơ thiếu điện và gián đoạn nền kinh tế.

Những vấn đề khác bao gồm nỗ lực tái thiết sau thảm họa sóng thần động đất vùng ven biển đông bắc với hơn 22 triệu tấn rác thải đổ nát vẫn còn và hàng chục nghìn người trong tình cảnh vô gia cư.

Quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Mỹ - từ lâu âm ỉ bởi những tranh chấp lãnh thổ, bởi tranh cãi bế tắc về chuyện di đời căn cứ quân sự của Mỹ - và các tranh cãi không đi tới hồi kết ở quốc hội cũng là thách thức lớn trước mắt với thủ tướng mới.

Tuy nhiên, cuộc kiểm tra lớn nhất với tân thủ tướng chắc chắn là chuyện thuyết phục được người dân vốn đã quá mệt mỏi rằng, ông có kỹ năng lãnh đạo vượt trội khác hẳn những người tiền nhiệm để có thể vượt qua các thách thức cũ đeo đuổi.

Thái An (theo telegraph)

Điện hạt nhân - tâm điểm chạy đua ghế thủ tướng Nhật
Cựu ngoại trưởng Seiji Maehara - người đang được sự ủng hộ lớn để trở thành thủ tướng tiếp theo nói Nhật Bản nên ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
 
Sau Thế chiến 2, Nhật chuẩn bị đón thủ tướng thứ 33
Kể từ sau Thế chiến II, Anh có 14 thủ tướng và Mỹ đón chào 12 tổng thống vào Nhà Trắng. Cùng giai đoạn đó, Nhật Bản có không ít hơn 32 thủ tướng.
 
Khi người Nhật mất kiên nhẫn vì lãnh đạo thất hứa
Người kế nhiệm của ông Kan có thể khôi phục lòng tin của dân chúng vốn bị suy giảm nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân và mệt mỏi với sự thay đổi thủ tướng liên tục?