Phản ứng của ông Yoshihiko Noda đối với những vấn đề kinh tế trầm trọng của Nhật Bản sẽ có thể gây hiệu ứng ngược bởi tầm quan trọng của nền kinh tế hướng xuất khẩu của nước này.

Ở một quốc gia có lưỡng viện được kiểm soát bởi các đảng phái đối lập và thiếu những lãnh đạo có khả năng thu hẹp bất đồng đảng phái, để áp dụng một chiến lược kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế là vô cùng khó khăn. Nếu kiểu bế tắc này đang làm tê liệt Washington, thì cũng cần cân nhắc cả trường hợp Tokyo.

Tân Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda: Bằng tất cả sức lực và trái tim mình, tôi sẽ đưa đất nước tiến lên phía trước. Ảnh: Getty Images
Nhật Bản hôm thứ qua đã chọn lựa vị thủ tướng thứ sáu trong vòng 5 năm qua. Ông là cựu Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, một người bảo thủ theo đúng các chuẩn mực Nhật Bản, một chính khách khiêm nhường. Trong bài phát biểu nhậm chức sau khi được bầu làm người lãnh đạo Đảng Dân chủ, ông so sánh mình như con cá sống trong bùn. Tuy nhiên, ông không ngại ngần cam kết sẽ làm việc hết sức: "Bằng tất cả sức lực và trái tim mình, tôi sẽ đưa đất nước này tiến lên phía trước", ông nói.

Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, với gánh nặng nợ nần đáng lo ngại nhất trong thế giới công nghiệp hóa (chiếm khoảng 200% GDP đất nước, so với 100% tại Mỹ). Nước này cũng phải vật lộn với chi phí tái thiết khổng lồ do thảm hoạ động đất, sóng thần hồi tháng 3, hệ thống an sinh xã hội chao đảo vì dân số già hóa, giá đồng yên tăng vọt đặt nặng áp lực với các nhà sản xuất. Phản ứng của Tokyo với những vấn đề này có thể gây hiệu ứng ngược trong nước cũng như toàn cầu vì tầm quan trọng của nền kinh tế hướng xuất khẩu của nước Nhật đối với triển vọng kinh tế thế giới.

Ông Noda đã tuyên bố ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ quốc gia để kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ, mặc dù ông không đề cập các chi tiết cụ thể; ở phía bên kia là các chính khách muốn tái thiết những khu vực bị thảm hoạ tàn phá nặng nề bằng cách phát hành thêm trái phiếu.

Chi tiết các giải pháp không quan trọng bằng cách tìm ra điều gì đó có thể được cho là tương xứng không chỉ với đảng của ông Noda - đang kiểm soát Hạ viện, mà còn với cả đảng Dân chủ Tự do đang kiểm soát Thượng viện. Những rạn nứt mà cựu thủ tướng Naoto Kan không thể vượt qua, đã dẫn tới tình trạng đình trệ và thay đổi lãnh đạo quá thường xuyên.

Liệu tân thủ tướng Nhật có thể vượt qua các tranh cãi bè phái? Trong số năm ứng viên của cuộc đua giành vị trí lãnh đạo, ông dường như là người cởi mở nhất để hợp tác với các bên còn lại. Vấn đề đặt ra ở Tokyo giờ đây là, liệu các bên còn lại có làm việc với ông hay không.

Vì sự tốt đẹp cho người dân Nhật Bản và tất cả mọi người khác, hy vọng các đảng phái đối lập ở nước này sẽ cởi mở để thỏa thiệp vấn đề thuế khóa hay chi tiêu.

Ông Noda là con trai của một lính dù thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và là một chính trị gia chuyên nghiệp 5 lần được bầu vào Hạ viện. Sau khi tốt nghiệp đại học Waseda, trường đào tạo nhiều chính trị gia Nhật xuất chúng, ông Noda vào Viện Điều hành và quản trị Matsushita danh giá cùng thời với người đồng nghiệp nổi tiếng hơn, cựu Bộ trưởng Tài chính Seiji Maehara.
Trong vai trò Bộ trưởng Tài chính, ông Noda, một người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của việc duy trì tính cạnh tranh sản xuất của Nhật, đã can thiệp vào các thị trường tiền tệ 3 lần trong năm qua trong nỗ lực ngăn chặn sự tăng giá của đồng yên trước đồng đôla Mỹ. Mặc dù là một người ít nổi tiếng, nhưng ông đã có được một nền tảng ủng hộ từ bên trong đảng. Ông cũng được xem là một đôi tay chắc chắn, đủ khả năng đưa mọi người vượt qua những bất đồng và làm việc cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung.

Thái An (theo latimes) 

Nhật Bản: Thủ tướng mới, thách thức cũ
Đảng cầm quyền Nhật bầu Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda làm lãnh đạo mới của đảng, mở đường cho ông trở thành thủ tướng với gánh nặng chồng chất từ người tiền nhiệm Naoto Kan.
 
Điện hạt nhân - tâm điểm chạy đua ghế thủ tướng Nhật
Cựu ngoại trưởng Seiji Maehara - người đang được sự ủng hộ lớn để trở thành thủ tướng tiếp theo nói Nhật Bản nên ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
 
Khi người Nhật mất kiên nhẫn vì lãnh đạo thất hứa
Người kế nhiệm của ông Kan có thể khôi phục lòng tin của dân chúng vốn bị suy giảm nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân và mệt mỏi với sự thay đổi thủ tướng liên tục?