Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay, Trung Quốc muốn một bộ quy tắc ứng xử có tính "ràng buộc" ở Biển Đông - một động thái có thể làm dịu đi căng thẳng xung quanh việc tranh chấp chủ quyền ở vùng biển giàu tài nguyên dầu khí này.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: AP |
Ông Aquino sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hôm qua (31/8) đã nói rằng, Trung Quốc muốn một "thỏa thuận thực thi" cho bộ quy tắc hành xử ở Biển Đông với 10 nước thành viên ASEAN. Trước đó, trong tháng 7 tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia, hai bên đã nhất trí về những hướng dẫn không mang tính ràng buộc để hoạt động trong vùng biển này.
Mong muốn của Trung Quốc về một thỏa thuận ràng buộc "là rất quan trọng vì trước đây đó chỉ là tuyên bố chung về các nguyên tắc", ông Aquino nói với báo chí tại Bắc Kinh đêm qua. “Giờ đây, đó là mong muốn để thật sự thực hiện các quy định, quy tắc".
Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã sử dụng các tàu tuần tra để ngăn chặn những nỗ lực của Việt Nam và Philippines (một đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ) trong việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo rằng, việc gia tăng đối đầu trong khu vực như một mối đe dọa tới các tuyến đường biển sẽ tác động nghiêm trọng tới thương mại thế giới.
Các tàu Trung Quốc trong tháng 5 đã cắt cáp một tàu thăm dò làm việc cho Việt Nam, vụ việc thứ hai tương tự xảy ra không lâu sau đó. Hồi tháng 3, tàu Trung Quốc đã xua đuổi một tàu làm việc cho công ty Forum Energy Plc của Anh khi tàu hoạt động ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Ông Aquino nói rằng, đã tới lúc cần "một bộ quy tắc thực tế dẫn dắt mọi người để ứng xử trong các vùng tranh chấp".
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Đây là một hình thể biển lớn nhất sau năm đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Rất nhiều trong số này là các đảo chìm, đảo đá không có người ở.
Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Thái An (theo Bloomberg)