Trong bối cảnh sự thay đổi chiến lược diễn ra liên tục ở châu Á cùng sự trỗi dậy của Trung Quốc, Úc một mặt thắt chặt hơn quan hệ đồng minh với Mỹ, mặt khác tìm cách tính toán trong quan hệ với Ấn Độ - một cường quốc đang nổi lên trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trước tương lai đầy cạnh tranh ở châu Á, nhiều đề xuất về sự cần thiết của Úc trong việc lựa chọn giữa đồng minh Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc đã được nêu ra. Giữa bối cảnh ấy, sự nổi lên của Ấn Độ khiến cuộc chạy đua quyền lực ở châu Á càng thêm phức tạp. Tuy nhiên, sự nổi lên này nhiều khả năng sẽ mang đến cho Úc lợi ích lớn hơn.

Hơn lúc nào hết, Canberra và New Delhi đang phát hiện điểm hội tụ lớn giữa hai bên về lợi ích an ninh cũng như kinh tế. Cả hai cùng lo ngại trước ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. Cả hai đều ấp ủ những giá trị chung của nền dân trị, đồng thời cùng chống kẻ thù Hồi giáo cực đoan.

Khả năng, điều kiện của Úc và Ấn Độ là một sự tương xứng tới mức hoàn hảo: Úc có trữ lượng khoáng sản khổng lồ, là một nền kinh tế ổn định, phát triển; trong khi đó, Ấn Độ có nguồn vốn nhân lực dồi dào hiếm có, cùng nhu cầu lớn về năng lượng và tài nguyên.

Tàu chiến của Hải quân Úc và Ấn Độ trong một cuộc tập trận. Ảnh: Asia Finest
Quan hệ kinh tế Úc - Ấn đang bùng nổ, với việc xuất khẩu của Úc sang Ấn Độ tăng mỗi năm khoảng 20%. Thế nhưng, bất chấp nỗ lực của các nhà ngoại giao tài năng hai nước, quan hệ chính trị Úc - Ấn Độ vẫn chưa đạt được đúng mức “đối tác tất yếu”. Căng thẳng do các cuộc tấn công gần đây nhằm vào sinh viên Ấn Độ học tập tại Úc, cũng như việc Công Đảng cầm quyền ở Úc áp đặt lệnh cấm bán urani sang Ấn Độ là bằng chứng cho thấy nhận thức còn khác biệt giữa Canberra và New Delhi.

Một cuộc khảo sát gần đây trong giới chính trị và công chức ở Ấn Độ cho thấy trong khi coi Úc là điểm đến du lịch được yêu thích, là quốc gia có nền giáo dục chất lượng thì rất ít người đánh giá cao Úc về mặt chính trị và chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bài viết trên tờ The Australian, ông Amitabh Matto, Giám đốc Viện Úc - Ấn thuộc Đại học Melbourne, chỉ ra rằng vẫn còn quá ít các cuộc hội đàm thực sự giữa quan chức cấp cao Úc và Ấn Độ. Chưa nhiều quan chức Ấn Độ hướng sự chú ý tới Úc.

Do vậy, các nhà ngoại giao và quan chức Úc phải kiên trì thu hút New Delhi. Ông Matto cảnh báo rằng việc thiếu đi sự can dự bền vững ở bất cứ cấp độ nào, thậm chí là một vấn đề riêng lẻ, có thể khiến quan hệ song phương chệch hướng. Điều này phải thay đổi, khi Úc và Ấn Độ cấp thiết hợp tác với nhau và vì lợi ích của khu vực.

Quan hệ chiến lược thực thụ?

Câu hỏi then chốt là liệu rằng giờ đây, hai nước có thể xây dựng lòng tin, sự hiểu biết song phương cần thiết cho một quan hệ chiến lược thực thụ hay không?

Đối với Ấn Độ, an ninh năng lượng đóng vai trò trung tâm. Trong tương lai, nhu cầu về năng lượng của Ấn Độ sẽ phải tăng gấp nhiều lần để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế, giúp hàng trăm triệu người sống đàng hoàng. Ấn Độ cần sự đóng góp nhiều hơn của Úc trong xuất khẩu than đá và khí đốt, cũng như đầu tư vào khai mỏ và cơ sở hạ tầng.

Nhà bình luận Raja Mohan ở Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi cho rằng, Úc - nước có trữ lượng urani lớn nhất thế giới - cần xem xét nghiêm túc khả năng bán urani phục vụ ngành điện Ấn Độ. Canberra ghi nhận rằng New Delhi không sử dụng urani để phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân. Trong những năm tới, Ấn Độ có thể không cần urani của Úc. Nhưng việc Úc từ chối bán urani cho Ấn Độ bị New Delhi coi là “tín hiệu của sự thiếu tin tưởng”.

Theo nhà phân tích Rory Medcalf ở Viện nghiên cứu LOWY tại Sydney, về phần mình, Ấn Độ cần hiểu rằng việc không bán urani cho nước này chỉ đơn giản phản ánh sự không thống nhất trong nội bộ Công Đảng cầm quyền Úc. New Delhi cũng cần nhận ra sự thất vọng của Canberra xung quanh quyết định không đến Úc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung Anh (CHOGM) của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào tháng 10 năm nay.

Trước đó, với mong muốn cải thiện quan hệ với New Delhi, Canberra thậm chí đã lên kế hoạch trọng thị đón ông Singh, trong đó có việc bố trí để ông phát biểu ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện sau khi dự CHOGM. Bất luận vấn đề urani liên quan tới sự trì hoãn thăm Úc của Thủ tướng Ấn Độ ra sao, New Delhi cũng không có lợi khi do dự hợp tác với Canberra, nhất là về quân sự, an ninh và tình báo.

Về mặt chiến lược, Úc và Ấn Độ cần chung sức mở rộng môi trường ổn định, hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không phải liên kết để chống lại Bắc Kinh mà là để đảm bảo rằng các cường quốc trỗi dậy một cách hòa bình.

Trên các vùng biển, lợi ích và tầm ảnh hưởng hàng hải của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, trong khi thách thức biển xuyên quốc gia như cướp biển, vận chuyển người trái phép còn dai dẳng. Bởi vậy, hiện được coi là thời điểm thích hợp để Úc và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, đẩy mạnh cấp độ can dự hải quân tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Úc và Ấn Độ có thể dẫn dắt việc xây dựng trật tự hàng hải theo luật lệ ở Ấn Độ Dương, cũng như hỗ trợ lẫn nhau tại Biển Đông. Điều này sẽ trở nên hết sức quan trọng trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục có hành động cứng rắn.

Lợi ích của Ấn Độ đang mở rộng sang phía đông, quan hệ với Mỹ đã định hình, bất chấp có lúc trồi sụt. Trong khi đó, Úc bắt đầu quan tâm tới việc phòng thủ ở các vùng biển phía Tây và phía Bắc, cùng với triển vọng hải quân Mỹ tăng cường hiện diện tại đây. Chính vì lẽ đó, tại Đối thoại thường niên cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng (AUSMIN 2011) ở San Francisco, lần đầu tiên Mỹ và Úc công khai khuyến khích Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “hướng Đông”.

Trong bức tranh rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á, Thái Bình Dương, Úc và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ cùng nhau thiết lập các diễn đàn song phương dành cho các chính trị gia, học giả hai nước, đồng thời sử dụng các diễn đàn đa phương quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Một số nhà phân tích chính trị nhận định rằng ở thế kỷ Á châu, sẽ là “thảm kịch” nếu lãnh đạo hai nước không rũ bỏ định kiến cũ để đưa quan hệ Úc - Ấn bước vào giai đoạn “khai hoa kết trái”.
V.Giang (theo The Australian)

Mỹ, Úc muốn mở rộng khu vực can dự
Mỹ và Úc bắt đầu xác định lại khu vực ảnh hưởng, không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn mở rộng sang Ấn Độ Dương, Tây và Trung Thái Bình Dương.
 
Mỹ, Úc thúc giục tự do hàng hải Biển Đông
Mỹ và Australia cùng kêu gọi tự do hàng hải không cản trở ở Biển Đông và thúc giục sự kiềm chế trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.