Philippines sẽ tổ chức hội nghị các chuyên gia pháp luật hàng hải ASEAN tuần này để thảo luận về đề xuất của Manila về Khu vực Hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (ZoPFF/C) trong nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Ảnh: AP
Các chuyên gia hàng hải đến từ 10 nước thành viên ASEAN - Philippines, Brunei Darussalam, Malaysia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan sẽ tham gia hội nghị ở Manila trong tuần này.

Cuộc gặp dựa trên quyết định của các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 ở Bali, Indonesia "nhằm nghiên cứu đề xuất với sự trợ giúp của các chuyên gia pháp luật hàng hải".

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: "Hội nghị nhằm thiết lập sự hiểu biết chung giữa các nước thành viên ASEAN về đề xuất ZoPFF/C". Kết quả của nó sẽ được báo cáo lên hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (Asean SOM), sau đó sẽ được đệ trình để các ngoại trưởng ASEAN xem xét trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 diễn ra vào tháng 11/2011 tại Bali, Indonesia.

Theo đề xuất ZoPFF/C, Ngoại trưởng Philippines - Albert del Rosario - cho biết, các khu vực tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa cần được tách biệt khỏi những khu vực không tranh chấp để phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Trong khuôn khổ này, các khu vực tranh chấp có thể trở thành một nơi hợp tác, trong khi các vùng không tranh chấp thì hoàn toàn nằm dưới thẩm quyền của một nước tuyên bố chủ quyền cụ thể.

Quần đảo Trường Sa là một nhóm các đảo, bãi đá ngầm, đảo san hô và được cho là rất giàu trữ lượng dầu khí, khoáng sản. Quần đảo này thuộc Biển Đông, là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei Darussalam. Trong đó, Trung Quốc bằng việc đưa ra bản đồ 9 đoạn đã tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển.

Những tháng gần đây, Biển Đông đã chứng kiến căng thẳng leo thang. Cả Việt Nam và Philippines đều cáo buộc các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp. Ông Del Rosario khẳng định, vấn đề cần được giải quyết theo các luật pháp hàng hải quốc tế và Philipppines thậm chí còn đề xuất mang tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) để giải quyết.

ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một tuyên bố hành xử trên biển vào năm 2002 nhưng không mang tính ràng buộc. Theo giới ngoại giao, một Trung Quốc đang trỗi dậy mong muốn giải quyết vấn đề tranh chấp theo con đường song phương với từng quốc gia theo chiến lược "chia để trị" thay vì một cơ chế đa phương cần thiết.

Trong khi đó, bên lề kỳ họp lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ ở New York, Tổng thống Philippines đã bày tỏ lập trường vững chắc rằng, Trung Quốc nên đạt được một thỏa thuận với toàn bộ 10 thành viên ASEAN về bộ quy tắc hành xử ở Biển Đông. "Nếu chúng ta làm việc trên cơ sở song phương thì sau đó chúng ta sẽ chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng", ông khẳng định.

Thái An (theo Sunstar, Inquirer)


Tổng thống Philippines ra sắc lệnh bảo vệ biển đảo
Trở về từ TQ, Tổng thống Aquino đã ký một sắc lệnh nhằm đảm bảo toàn bộ quần đảo của Philippines sẽ được bảo vệ chống lại những mối đe dọa hàng hải.
 

TT Philippines: TQ muốn quy tắc ràng buộc về Biển Đông
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh, ông Aquino nói Trung Quốc muốn một "thỏa thuận thực thi" cho bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
 

Mỹ, Úc thúc giục tự do hàng hải Biển Đông
Mỹ và Australia cùng kêu gọi tự do hàng hải không cản trở ở Biển Đông và thúc giục sự kiềm chế trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. 
 

Yêu cầu TQ không làm phức tạp tình hình Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị phản ứng về thông tin Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí.