Các chuyên gia hàng hải Đông Nam Á đã tập trung trong một hội nghị tại Manila để thảo luận về đề xuất giải quyết tháo gỡ căng thẳng ở Biển Đông.

Ảnh: diplomat

Trung Quốc thì phản đối cuộc gặp này. Đây là quốc gia đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông - khu vực được tin là giàu trữ lượng dầu khí và khoáng sản.

Sự kiện lần đầu tiên diễn ra này là một nỗ lực của Philippines để thể hiện một chính sách khu vực thống nhất trong bối cảnh Trung Quốc độc quyền tuyên bố chủ quyền với toàn bộ đảo ở Biển Đông.

Hội nghị chỉ giới hạn trong số các chuyên gia hàng hải và pháp luật đến từ 10 nước thành viên ASEAN. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn thiên về các cuộc thương thảo song phương với từng nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Hai quan chức ngoại giao cấp cao Philippines nói rằng, Bắc Kinh đã phản ứng hội nghị kéo dài trong hai ngày này. Đồng thời Trung Quốc cũng đặt vấn đề tại sao ASEAN phải cần giải quyết tranh chấp với tư cách một nhóm, khi phần lớn các thành viên trong khối không phải là nước tuyên bố chủ quyền.

Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 nước ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lớn nhất với bản đồ chữ U bao trùm hầu hết vùng biển. Theo nhà ngoại giao Philippines, nếu ASEAN có thể đạt được một lập trường chung thì sau đó khối này sẽ cố gắng có được sự đồng thuận của Trung Quốc.

Giải quyết tranh chấp "có thể mất hàng thế kỷ", Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay thừa nhận khi trò chuyện với báo giới. Ông nhấn mạnh, vùng biển - được cho là chiếm hơn một nửa lộ trình vận chuyển của các siêu tàu chở dầu thế giới - đã "trở thành khởi nguồn căng thẳng, đe doạ an ninh" không chỉ với tuyến đường biển sống còn mà với cả khu vực và thế giới.

Đề xuất mà Philippines đưa ra thảo luận bao gồm việc phác thảo các đảo tranh chấp để những bên tuyên bố chủ quyền có thể tiến hành phi quân sự hoá và biến chúng thành "khu vực của hoà bình, tự do, hữu nghị và hợp tác".

Một tuyên bố dự thảo đưa ra sau hội nghị cho thấy, tất cả thành viên tham dự đều có chiều hướng ủng hộ đề xuất của Manila, mô tả nó "là phù hợp với luật pháp quốc tế". Họ kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền "gặp gỡ lẫn nhau và thăm dò khả năng xác định" các khu vực tranh chấp cho những dự án hợp tác chung.

Philippines cho rằng, không phải toàn bộ Biển Đông là vùng tranh chấp. Khi những vùng tranh chấp được xác định rõ ràng, các bên tuyên bố chủ quyền có thể quyết định rút quân đội, thay vào đó bằng các lực lượng dân sự và tiến hành những dự án nghiên cứu chung nhằm xây dựng và thúc đẩy lòng tin.

Thái An (theo AP)

Philippines chủ trì hội nghị về Trường Sa
Philippines sẽ tổ chức hội nghị các chuyên gia pháp luật hàng hải ASEAN tuần này để thảo luận về đề xuất về khu vực Hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (ZoPFF/C).
 
Tổng thống Philippines ra sắc lệnh bảo vệ biển đảo
Trở về từ TQ, Tổng thống Aquino đã ký một sắc lệnh nhằm đảm bảo toàn bộ quần đảo của Philippines sẽ được bảo vệ chống lại những mối đe dọa hàng hải.
 
TT Philippines: TQ muốn quy tắc ràng buộc về Biển Đông
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh, ông Aquino nói Trung Quốc muốn một "thỏa thuận thực thi" cho bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.