- Chưa hài lòng với chất lượng phát biểu, thảo luận từ đầu kỳ họp, Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh trăn trở những ý tưởng đổi mới hoạt động nghị trường: thay đổi cơ cấu đại biểu, chia hai hội trường...


Đợi thời gian trả lời

Đầu kỳ họp, Quốc hội đã khẳng định sẽ tiến hành ngay một số đổi mới trong các phiên thảo luận tại nghị trường để phiên họp đạt chất lượng cao. Vậy theo dõi các phiên thảo luận vừa qua, ông thấy đã có đổi mới nào so với khóa 12 chưa?

- Kỳ họp thứ nhất chủ yếu bàn công tác nhân sự và cũng đã có một phiên thảo luận kinh tế - xã hội truyền hình trực tiếp. Bây giờ là kỳ họp thứ hai. Phiên thảo luận lần này rất quan trọng. Thứ nhất là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua. Thứ hai là đánh giá năm 2011 và bàn hướng phát triển cho năm 2012 và 5 năm sắp tới.

Ngày đầu tiên thảo luận có 50 lượt ý kiến. Các đại biểu đã tham gia rất tích cực. Nhiều người đã phân tích các vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng hiện nay, đáp ứng phần nào tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tuy nhiên, các ý kiến chưa thật sự sâu sắc và chưa tập trung. Trong khi có những người nêu ra các phân tích rất uyên bác, lại có nhiều người chỉ dẫn những việc ở địa phương mình. Các ý kiến đó không đủ tính đại diện cho cả nước. Có những người đã phát biểu ở tổ rồi nhưng ra đến hội trường lại nhắc lại. Trong khi lẽ ra cần trao đổi, thảo luận nhiều hơn về các vấn đề lớn và tập trung.

Tôi chỉ ví dụ là lần này Chính phủ đưa ra các phương án tái cấu trúc, trong đó chú trọng tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp... Biện pháp nghe thì đúng rồi nhưng đưa ra Quốc hội phải được bàn bạc sâu để xem đưa vào triển khai trong thực tế sẽ thế nào. Nhưng rồi vẫn rất ít ý kiến.

Ông Trần Ngọc Vinh: Ai cũng sợ bị chê trách nên cố gắng đứng lên để phát biểu cho cử tri thấy mặt. Ảnh: Lê Anh Dũng
Hoặc, đầu tư công, hiệu quả vào đâu và đến đâu cũng chưa thấy nói rõ. Chính phủ nói tập trung cho giáo dục, y tế nhưng không hiểu sao ngành nào cũng kêu. Vậy nguyên nhân là do đâu, phải phân tích rõ.

Vì thế, có thể thấy là khi đưa ra Quốc hội bàn bạc đã không kỹ, giải pháp đề ra không sâu thì chủ trương có đúng cũng chưa chắc đã làm được như mong muốn.

Vẫn còn tình trạng chệch choạc như vậy phải chăng là do các đại biểu khóa mới chưa bắt nhịp được với hoạt động Quốc hội? Điều này có xảy ra ở các kỳ họp đầu tiên khóa trước không, thưa ông?

- Rất khó để so sánh khóa cũ với khóa mới. Nhưng cơ cấu ở mỗi khóa, mỗi nhiệm kỳ là khác nhau nên quyết định đến chất lượng đại biểu khác nhau. Nhưng theo tôi, muốn nâng cao chất lượng thì phải thay đổi cơ cấu đại biểu. Vì không phải ai là đại biểu Quốc hội cũng dám nói.

Ví dụ một đại biểu đồng thời đang kiêm nhiệm chức vụ ở một ngành nào đó thì liệu anh có dám phát biểu mặt trái của ngành đó trên hội trường không? Nhưng nếu anh đã là đại biểu chuyên trách rồi, và anh đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề đó thì sẽ dám nói và ý kiến sẽ có chất lượng.

Phần lớn những phát biểu có chất lượng chủ yếu rơi vào số đại biểu chuyên trách. Tất nhiên đây cũng mới là kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ nên vẫn còn nhiều chuyện mới mẻ. Chưa thể căn cứ vào đó mà đánh giá được hết chất lượng.

Phải đợi thời gian trả lời

Tôi đề nghị chia hai hội trường

Nhưng mỗi kỳ họp sẽ bàn những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng và đòi hỏi của cuộc sống không thể chờ đợi sự trưởng thành từ từ của các đại biểu...

- Mỗi năm chúng ta chỉ họp hai kỳ và mỗi kỳ thảo luận kinh tế - xã hội, các đoàn chỉ được 1 đến 2 người phát biểu mà những người đứng lên nói chưa chắc đã là người đại diện cho toàn bộ tinh hoa của đoàn đó.

Tất nhiên ai cũng mong muốn đại biểu Quốc hội ngày càng phải có chất lượng cao. Nhưng do đặc điểm cơ cấu, mỗi nhiệm kỳ lại theo cơ cấu khác nhau nên đã ảnh hưởng đến chất lượng. Có những nhiệm kỳ có được rất nhiều đại biểu chất lượng hoạt động cao hơn hẳn nhưng có nhiệm kỳ chất lượng lại bình thường.

Quốc hội đang bàn đề án đổi mới hoạt động. Vậy theo ông, để có những phiên thảo luận nóng, thu hút và đáp ứng sự mong mỏi của cử tri thì sẽ phải thay đổi từ đâu?

- Tất cả cũng phải từ con người mà ra. Thứ nhất là cần thay đổi cơ cấu đại diện trong Quốc hội. Tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên.

Thứ hai, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội. Nói ví dụ thế này, như các phiên thảo luận hiện nay, nếu họp cả ngày ở hội trường về kinh tế - xã hội cũng chỉ tối đa khoảng hơn 50 người được nói. Vậy là 450 người còn lại cứ thế ngồi ở dưới để nghe. Vậy tôi đề nghị có thể chọn theo cách là chia ra làm hai hội trường để nhiều người được nói và sau đó tập hợp lại

Ngoài ra, cần tổng kết các ý kiến thảo luận ở tổ, sau đó chỉ nêu các ý kiến cụ thể còn có quan điểm khác nhau để đưa ra hội trường cho đại biểu phân tích. Không đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn.

Không nên để tình trạng như hiện nay, các ý kiến quá loãng, trùng lặp. Ai cũng sợ cử tri chê trách nên cố gắng đứng lên để phát biểu cho cử tri thấy mặt. Do đó, không ít người cứ nói những vấn đề xa xôi ở đâu đó không liên quan đến mạch thảo luận chung.

Tôi hy vọng rằng càng về các kỳ họp sau này, đại biểu ngày càng sắc sảo hơn và gia tăng các ý kiến phản biện. Nhưng để có tính phản biện, cũng cần đòi hỏi bản lĩnh nghị trường.

               Đo mức độ hài lòng của dân

"Chúng ta xác định chính quyền của chúng ta là của dân, do dân, vì dân. Các đại biểu của dân đi họp ở đây mang theo biết bao tâm tư bức xúc của người dân với mong muốn là mọi việc sẽ tốt hơn qua mỗi kỳ họp. Nhưng chúng ta chưa có một chỉ số cụ thể để đo lường việc này.

Tôi cho rằng Quốc hội nên đưa thêm chỉ tiêu, mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của các cơ quan quyền lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định mức độ này không khó.

Quốc hội có thể đưa ra tiêu chí cần thiết để việc điều tra này đem lại được những số liệu cần thiết, cụ thể, giúp các cơ quan quyền lực điều chỉnh pháp luật và chính sách hiệu quả hơn, phù hợp hơn với mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả xã hội".

                          Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương)
Lê Nhung