- Tại diễn đàn về đổi mới hoạt động Quốc hội, một cựu đại biểu có thâm niên hoạt động ở nhiều cương vị khác nhau từng nêu một thực tế "tréo ngoe", đó là khi đi vận động bầu cử, ai cũng hứa sẽ tranh thủ nói lên tiếng nói cử tri, nhưng rồi trải qua vài kỳ họp đầu tiên vẫn im lặng. Và họ giải thích rằng, đang làm quen và học hỏi các đại biểu khác.

Như giải thích của vị cựu ĐBQH, tất cả các đại biểu được bầu vào nghị trường ít nhiều đều từng kinh qua các vị trí công tác khác nhau, những người trẻ nhất cũng đã từng tham gia hoạt động trong các đoàn thể. Kinh nghiệm hoạt động nghị trường chưa có nhưng hầu như ai cũng cam kết với cử tri về việc có đủ những kỹ năng cơ bản để hoạt động Quốc hội, như đọc, phân tích tài liệu và nêu vấn đề thảo luận... Chỉ có điều, họ có phát huy các kỹ năng đó đúng lúc, đúng chỗ hay không.

Kỳ họp này sẽ có rất nhiều "đất" để các đại biểu mới thể hiện tinh thần trách nhiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 khai mạc sáng nay có thể xem như một diễn đàn lớn để cử tri cảm nhận tinh thần, dấu ấn của Quốc hội khóa mới một cách rõ ràng nhất. Bởi lẽ, ở kỳ họp đầu tiên, mọi hoạt động chủ yếu tập trung vào công tác bầu nhân sự chủ chốt cho bộ máy Chính phủ và bộ máy Quốc hội khóa  mới. Chưa có bất kỳ dự án luật nào được trình ra để xem xét. Phiên họp cũng chỉ diễn ra vỏn vẹn hai tuần. Chừng ấy thời gian và căn cứ vào chương trình nghị sự ngắn ngủi thì có thể dễ dàng nhận thấy rằng rất ít "đất" cho từng đại biểu thể hiện cũng như cọ xát.

Theo dõi các phiên họp đó, cử tri cũng dễ dàng nhận ra rằng hầu như chỉ có các đại biểu tái cử đăng ký phát biểu nhiều lần. Hoặc, có thêm một vài gương mặt mới nhưng cũng là những người đã từng rất quen thuộc với công chúng vì tần số xuất hiện dày đặc trên báo chí hoặc tại các phiên họp Hội đồng nhân dân như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Bùi Thị An (Hà Nội), doanh nhân Đặng Thành Tâm (TP.HCM)...

Cử tri chờ đợi nhiều hơn ở sự năng động, tích cực của toàn thể 500 đại biểu. Trong số họ, rồi đây sẽ có những đại biểu thực sự để lại dấu ấn trong lòng dân, được “vinh danh” bằng sự kính trọng và mến mộ của công chúng. Bản lĩnh, trí tuệ, sự thuần thục của từng người sẽ lớn dần lên qua mỗi kỳ họp bằng những hoạt động năng nổ, tích cực.

Khác hẳn kỳ họp đầu tiên, ở kỳ họp cuối năm này sẽ có rất nhiều "đất" để các đại biểu mới được thể hiện tinh thần trách nhiệm, đồng thời là cơ hội cho cử tri được giám sát đại biểu mà mình đã bầu ra. Các phiên thảo luận toàn thể trên hội trường vẫn chiếm áp đảo và có rất nhiều nội dung được truyền hình trực tiếp. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015. Chặng đường đất nước 5 năm tới đây định hình thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của các đại biểu.

Mới đây thôi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi thư cho từng đại biểu, kêu gọi mỗi người hãy nêu sáng kiến để đổi mới hoạt động Quốc hội. Đề án đổi mới chung còn chưa được thông qua, nhưng một số cải tiến mà đại biểu góp ý sẽ được áp dụng ngay từ kỳ họp này.

Rõ ràng, mọi đổi mới, dù ít hay nhiều cũng đều phải bắt đầu từ ý thức, tinh thần trách nhiệm của từng người - trách nhiệm không được định tính, định lượng nhưng được đo đếm bằng niềm tin của người dân.

Lê Nhung

Quốc hội có nhiệm kỳ, đất nước thì không
Chặng đường đất nước 5 năm tới định hình thế nào phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của 500 đại biểu QH, ngay từ kỳ họp đầu, khai mạc hôm nay.
 
Tranh luận để họp QH không còn tính 'trình diễn'
Đại biểu dự hội thảo quốc tế ở Hà Nội nói Quốc hội phải dân chủ hơn bằng tranh luận. Hiện các phiên họp toàn thể còn mang tính "trình diễn", càng đông người được nói càng tốt, ít khi trao đi đổi lại làm sáng tỏ vấn đề.
 
Tăng điều trần, giảm chất vấn kiểu 'đơn thương độc mã'
Hiện Quốc hội không bắt buộc phải ra nghị quyết sau chất vấn, cũng chưa từng có tiền lệ về việc bỏ phiếu tín nhiệm, khiển trách và lập ủy ban lâm thời để điều tra.