- Chiều nay (2/11), thảo luận tổ về dự kiến chương trình làm luật khoá này, nhiều ý kiến ĐBQH muốn đưa dự thảo Luật Biểu tình lên chương trình chính thức thay vì chương trình dự bị như đề xuất của Chính phủ.

Tại tổ Hà Nội, ĐB Ðinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, cho rằng Luật Biểu tình khó có thể làm ngay mà phải chờ sửa Hiến pháp, vì vậy đưa vào chương trình chuẩn bị là hợp lý. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đồng tình rằng dự thảo luật này hay luật về trưng cầu dân ý có các yếu tố cần cân nhắc kĩ, “nếu có đưa vào xem xét thì cũng nên ở cuối kì, hoặc nếu cần thiết thì để lại khóa sau”.

Song đa số các ĐB khác muốn điều ngược lại. ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) thấy biểu tình hay việc người dân tụ tập thể hiện ý kiến đang là vấn đề bức xúc trên cả nước, phản ánh cả mặt trái và mặt phải của xã hội và là xu thế sẽ phát triển nhanh trong tương lai. Ông Khiết cho rằng cần đưa dự thảo Luật Biểu tình vào chương trình chính thức để có thể sớm giải quyết những bức xúc thực sự của đời sống.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cùng đoàn đồng tình: “Không nên sợ thực tiễn cuộc sống, cần sớm có luật để người dân có thể biểu tình một cách trật tự và thể hiện ý kiến của mình một cách đúng luật”.

Dự thảo Luật Biểu tình sẽ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo theo yêu cầu trực tiếp từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các ĐB thảo luận tại tổ Hà Nội.

Bớt những luật chưa cần thiết

Các ĐB cũng chia sẻ nhận định có nhiều dự luật thực sự bức xúc và cần thiết lại chưa được bố trí hợp lý trong dự kiến chương trình làm luật.

Ông Trịnh Thế Khiết chỉ ra một số vấn đề chưa thực sự bức thiết trong thực tiễn Việt Nam nhưng vẫn “cố” đưa vào chương trình do sức ép xây dựng luật trong quá trình hội nhập quốc tế như dự luật về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

“E rằng khi luật ra đời sẽ có khoảng cách với nhận thức và việc thực hiện của người dân”, ông Khiết nói.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng những dự luật như Luật Thư viện, Phòng chống tác hại thuốc lá… có thể chờ để nhường chỗ cho những dự luật cần kíp hơn.

Một trong số đó là Luật Tiếp cận thông tin như ĐB Ðinh Xuân Thảo nêu: “Dự luật này đã được khoá XII chuẩn bị kỹ, không hiểu sao Chính phủ lại có ý kiến xem xét lại rồi đưa vào chương trình chuẩn bị của khoá này, trong khi luật này cần thiết trong thực tiễn và liên quan các luật khác đang bàn như Luật lưu trữ”.

Hay như Luật bầu cử QH và HĐND, theo ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), vừa rồi sửa gấp gáp, vội vàng, thực hiện trong thực tế đã thấy rõ tính chất tình thế. Ông Sơn kiến nghị đưa luật này vào chương trình chính thức, nhất là khi Hiến pháp sẽ được sửa và việc tổ chức HĐND cũng sẽ có những thay đổi.

Ông Sơn còn băn khoăn “có hay không cuộc chạy đua vận động hành lang giữa các đơn vị soạn thảo để đưa dự luật vào chương trình chính thức hay dự bị?”

Các ĐB thảo luận tại tổ Hải Phòng - Thanh Hoá.

Không ngại vừa ban hành lại sửa ngay

Theo ông Ðinh Xuân Thảo, những luật chưa thực sự cần thiết hoặc chưa được chuẩn bị kỹ, không đảm bảo chất lượng thì phải kiên quyết đưa ra khỏi chương trình, không “cố đấm ăn xôi” một luật đưa vào rút ra ba bốn lần, trong khi những luật thực sự cần thiết, bức xúc đối với xã hội lại bị trì hoãn.

ĐB Ðỗ Kim Tuyến (Hà Nội) đồng tình nên tập trung ưu tiên cho những luật khung, luật có vai trò định hướng, có tính nền tảng và quan trọng đối với việc xây dựng các luật khác.

Tuy vậy, ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hoá) lưu ý tình trạng luật khung, luật ống, luật chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn vẫn chưa được khắc phục dù đã là vấn đề của mấy kỳ QH.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha (ĐB Nam Định) cũng thấy nhiều quy định của luật giao cho Chính phủ, các bộ ban hành hướng dẫn nhưng làm rất chậm, có quy định 3 năm không ban hành được hướng dẫn, có bộ còn xin phép thôi, không ban hành nữa.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, việc xây dựng nghị định của Chính phủ nên tiến hành song song với quá trình chuẩn bị dự luật. “Luật ban hành mà 1-2 năm sau sau vẫn chưa đi vào cuộc sống được vì thiếu các văn bản hướng dẫn thì ban hành làm gì?”, ông Quang nói.

Có ý kiến băn khoăn khi thấy một số điểm lặp lại, như dự kiến xem xét dự thảo Luật Quy hoạch và Luật Đô thị trong khi khoá XII vừa thông qua Luật Quy hoạch đô thị, hoặc Luật Xuất bản đã được sửa đổi bổ sung qua hai khoá gần đây, nay lại có trong chương trình dự kiến…

Song ĐB Ðỗ Kim Tuyến cho rằng luật vừa ban hành mà thực tiễn thi hành có những điểm bất hợp lý cản trở cuộc sống thì đem ra sửa ngay cũng không ngại.

Chung Hoàng – Phương Loan
Ảnh: Minh Thăng