Hôm nay, Mỹ và Trung Quốc đối mặt tại hội nghị thượng đỉnh khu vực về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - điểm va chạm mới nhất giữa hai cường quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm qua (18/11) vẫn khẳng định rằng, "các lực lượng bên ngoài" không có lý do gì để can dự vào cuộc tranh chấp hàng hải phức tạp, một động thái cảnh báo Mỹ và những nước khác cần tránh vấn đề nhạy cảm này.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Mỹ Obama gặp nhau tại Bali, Indonesia Ảnh: Reuters

Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lớn nhất với hầu hết vùng biển. Đây là khu vực quan trọng, với những lộ trình thương mại nhộn nhịp trị giá 5 nghìn tỉ USD mỗi năm và giàu tiềm năng dầu khí.

Các quốc gia Đông Nam Á cùng với Mỹ và Nhật Bản đang gia tăng áp lực, thuyết phục Bắc Kinh nỗ lực tìm kiếm con đường giải quyết vấn đề chủ quyền. Căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang trong năm nay đến nỗi một tổ chức nghiên cứu Australia phải lên tiếng cảnh báo nó có thể dẫn tới xung đột.

Trung Quốc muốn hội đàm song phương với các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, nhưng các nước Đông Nam Á, Mỹ và Nhật Bản lại thúc đẩy biện pháp tiếp cận đa phương.

"Vấn đề cần được giải quyết thông qua tham vấn thân thiện và các cuộc thảo luận của các nước liên quan trực tiếp. Các lực lượng bên ngoài không nên, trong bất kỳ lý do nào, can dự vào", ông Ôn Gia Bảo nói trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hôm qua. Bình luận của ông được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đã nói với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Malaysia tại các cuộc gặp song phương rằng, hội nghị thượng đỉnh Đông Á với sự tham gia của các thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại là nơi thích hợp để thảo luận về tranh chấp hàng hải.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về truyền thông chiến lược, Ben Rhodes, đầu tuần này cho biết "trong thảo luận về an ninh hàng hải, Biển Đông rõ ràng là một mối quan tâm".

Ông Obama và ông Ôn Gia Bảo có kế hoạch gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh trước khi các nhà lãnh đạo bước vào cuộc họp chính thức.

Ảnh hưởng

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ là động thái mới nhất giữa hai nước vài tuần gần đây, khi ông Obama thúc đẩy việc tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc.

Hôm thứ năm, ông Obama nói tại Australia rằng, quân đội Mỹ sẽ mở rộng vai trò ở khu vực. Ông tuyên bố, Mỹ "đến đây để ở lại" như một cường quốc Thái Bình Dương. Những ngày trước đó, khi chủ trì diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ông Obama đã bày tỏ sự thất vọng với chính sách thương mại của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới với một số láng giềng của Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Các động thái của Mỹ được xem là nỗ lực để khẳng định vai trò lãnh đạo của nước này khi đối mặt với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc xung quanh Vành đai Thái Bình Dương và trấn an các đồng minh như Hàn Quốc hay Nhật Bản rằng, Mỹ vẫn là "đối trọng" mạnh mẽ.

Hôm qua, ông Obama cũng thông báo rằng, ông sẽ cử Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Myanmar trong tháng tới - chuyến đi đầu tiên tới quốc gia bị cô lập trong cả nửa thế kỷ. Điều này góp thêm vào những lo lắng ở Bắc Kinh khi Mỹ tăng cường dấu ấn trong khu vực.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cho tới nay là lớn nhất, với việc đưa ra bản đồ hình chữ U bao trùm hầu hết 1,7 triệu km vuông vùng biển. Mỹ năm ngoái đã từng khiến Bắc Kinh phản ứng khi khẳng định họ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông bằng việc đảm bảo tự do hàng hải và thương mại.

Các con số thống kê Mỹ năm 2008 cho thấy, ước tính trữ lượng dầu khí được chứng minh và chưa xác định ở Biển Đông vào khoảng 28 tỉ thùng dầu cho tới 213 tỉ thùng. Trữ lượng khí có thể đạt tới 3,8 nghìn tỉ mét khối. Trữ lượng này có thể đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Thái An (theo Reuters)

ASEAN: Hấp lực mới của thế giới giữa cạnh tranh Mỹ-Trung?
Với sự cạnh tranh gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc khi cố gắng trở thành siêu cường chính trong thế giới hiện đại, ASEAN phải nỗ lực để chủ động hơn trong việc thực thi vai trò với cái nhìn rộng hơn. 
 
Khẳng định vị thế Mỹ: Trọng trách của Obama ở Bali
Vấn đề an ninh và tầm nhìn đối với vai trò ngày càng gia tăng của Mỹ ở châu Á được cho là tâm điểm của việc tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bali của Tổng thống Obama. 
 
Biển Đông trên bàn nghị sự thượng đỉnh ASEAN -TQ
Biển Đông là một chủ đề trong chương trình nghị sự của cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Bali, Indonesia sáng nay. 
 
TQ - Philippines ‘đấu khẩu’ về Biển Đông
Philippines kêu gọi ASEAN tạo điều kiện đàm phán với Trung Quốc về các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh lại không muốn đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.