- Lương trung bình của người lao động ở các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, điện lực, than... là 8,14 triệu đồng/tháng. Nhóm ngân hàng, tài chính 10,5 triệu đồng/tháng.

Thông tin do đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiết lộ tại hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN 2001 - 2010 hôm nay ở Hà Nội.

Lương lãnh đạo vượt "trần"

Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, đã có nhiều đổi mới về chi trả lương tại các DN có 100% vốn nhà nước, song vẫn còn không ít bất cập cần điều chỉnh. Chẳng hạn, mức chênh lệch thu nhập của người lao động trong các DNNN có lợi thế và không có lợi thế cũng như chênh lệch lương của người quản lý trong khu vực nhà nước và khu vực nước ngoài.

Đại biểu dự hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới DNNN. Ảnh: Lê Nhung
Trong điều kiện mức lương tối thiểu còn thấp, Chính phủ cho phép các DN áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm để tính đơn giá tiền lương, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho lao động. Do đó, DN cũng đã chủ động triển khai kế hoạch riêng và lương  bình quân tăng hàng năm: 2008 là 3,12 triệu đồng, năm 2010 đã lên 3,7 triệu đồng.

Tại 36 công ty mẹ của các DNNN hạng đặc biệt, lương của DN có lợi thế cao gấp 3,35 lần nhóm không lợi thế.

DN có lợi thế bao gồm các lĩnh vực độc quyền khai thác tài nguyên đất nước và tiền tệ như: dầu khí, than, điện lực, hàng không,  bưu chính, ngân hàng, tài chính, thuốc lá...

Lĩnh vực không có lợi thế là lâm nghiệp, dệt may, vận tải đường sắt, mía đường, giấy...

Lý do đưa ra là các DN kinh doanh ngành nghề lợi thế thường áp dụng hệ số điều chỉnh lương tối thiểu ở mức tối đa hoặc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn so với khả năng thực tế, nâng hệ số cấp bậc công việc. Nhờ thế,

lương ở đây không ngừng tăng: 2008 bình quân 5,9 triệu đồng/tháng, 2010: 7,64 triệu, gấp đôi bình quân chung của DNNN.

Tiền lương bình quân của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhóm DN có lợi thế khoảng 40 triệu, nhóm không lợi thế 15 triệu.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho hay, chênh lệch tiền lương ngày càng gia tăng một phần do chưa có sự phân biệt giữa DN lợi thế và không có lợi thế.

Một bất cập khác là lương của những cá nhân trên được xác định trước, trong khi tiền lương của người lao động được điều chỉnh tăng theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, nên trong 3 năm trở lại đây, DN có xu hướng đẩy tiền lương của các đối tượng này lên cao vượt quy định, làm mất cân đối cả trong nội bộ DN lẫn khu vực hành chính, gây bức xúc trong dư luận. Một số DN trả lương cho chủ tịch chuyên trách, tổng giám đốc lên tới 70 - 80 triệu đồng/tháng, trong khi khung tối đa của Nhà nước chỉ là 50 triệu đồng.

Cũng theo nhận định của Bộ LĐTB&XH, cách quản trị tiền lương vẫn mang nặng tính hành chính, chưa căn cứ nhiệm vụ để trả lương nên tuyển dụng vẫn dư thừa, Nhà nước phải giải quyết. Đa số trả theo thâm nhiên, bình quân nên không khuyến khích được lao động giỏi. Chênh lệch giữa người hưởng lương cao nhất và thấp nhất khoảng 5 - 6 lần, trong khi trên thị trường lao động chênh lệch lên tới 50 - 70 lần.

Khoán hiệu quả

Theo Bộ LĐTB&XH, cơ chế quản lý lương tại DN có 100% vốn nhà nước sẽ phải tiếp tục đổi mới cùng với chương trình tổng thể cải cách lương 10 năm tới.

Sẽ xây dựng cơ chế tiền lương riêng với DN đặc thù và DN có lợi thế, đồng thời dùng các chính sách thuế, vốn điều tiết để bảo đảm công bằng giữa các DN.

Nhà nước sẽ quy định mức lương tối thiểu thống nhất giữa các loại hình DN, xóa bỏ sự phân biệt. Về thang, bảng lương, sẽ quy định các nguyên tắc khung hoặc ban hành một số bảng lương mẫu và giao DN tự xây dựng thang, bảng lương gắn với vị trí, chức danh công việc. Tiến tới khoán hiệu quả kinh doanh khi xác định rõ cơ chế tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Với đội ngũ lãnh đạo, lương của ban điều hành (tổng giám đốc, phó tổng) được xác định theo chức danh, gắn với bảo toàn, phát triển vốn, tỷ suất lợi nhuận. DN làm ăn hiệu quả thì sẽ được tăng thêm lương.

Lương của các chức danh đại diện chủ sở hữu gắn với kết quả giám sát. Các đối tượng này cũng không hưởng lương từ doanh nghiệp mà lấy từ quỹ quản lý DNNN. Nếu giám sát tốt, hiệu quả cao thì tăng thêm lương, nếu không tốt sẽ bị trừ, thậm chí không trả lương.

Tiếp tục thực hiện thí điểm và tiến tới ký hợp đồng thuê, trả lương theo thỏa thuận với tổng giám đốc, giám đốc các DNNN để gắn quyền lợi lương, thưởng với trách nhiệm và kết quả điều hành kinh doanh.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm VPCP, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho hay, trong định hướng tái cơ cấu sắp tới, Chính phủ sẽ xác định rõ chỉ tiêu để phân biệt giữa các DNNN có lợi thế và DNNN không có lợi thế từ việc được nhà nước giao, quản lý, sử dụng các nguồn vốn, tài sản, tài nguyên, khoáng sản, đất đai.... để khắc phục sự chênh lệch quá lớn về tiền lương và thu nhập do lợi thế khách quan mang lại.

Theo điều tra của Bộ LĐTB&XH, lương của viên chức quản lý doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Quy mô trung bình: 30 - 40 triệu, quy mô lớn: hàng trăm triệu đồng.

Đa số ngân hàng liên doanh, cổ phần (không kể ngân hàng được cổ phần hóa từ ngân hàng quốc doanh) khoảng 100 triệu đồng/tháng. Một số trả trên 200 triệu đồng/tháng. Giám đốc khách sạn 5 sao từ 3.000 USD đến 5.000 USD.

Cơ trưởng hàng không: 15.000 USD/tháng. Chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí 13.000 - 15.000 USD. Trong khi lương của viên chức quản lý DNNN khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng.

                  Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Lê Nhung