- "Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai", Thủ tướng chia sẻ trong buổi thảo luận đánh giá 10 năm đổi mới, phát triển DNNN hôm nay ở Hà Nội.

Kiểm điểm lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ

Hội nghị sắp xếp đổi mới DN dành cả ngày thảo luận về thành công, hạn chế và chiến lược tái cơ cấu DNNN 10 năm tới. Lắng nghe ý kiến lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp, một trong những điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "tâm đắc nhất" là bài học trong công tác cán bộ.

Do vậy, mục tiêu đổi mới sắp tới được Thủ tướng nhấn mạnh là sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo. "Quyết định chọn lựa những cán bộ có đủ năng lực, trách nhiệm. Cán bộ tốt thì mọi việc mới vượt qua được", ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đánh giá hiệu quả phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Riêng nhân sự lãnh đạo tại các tổng công ty 91 và tập đoàn thì thực hiện theo quy trình, các bộ quản lý ngành đề xuất nhân sự, sau đó Bộ Nội vụ thẩm định, đề nghị Thủ tướng thông qua. "Nói là Thủ tướng thông qua nhưng đều là quyết định chung của Ban cán sự Đảng Chính phủ. Thủ tướng chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Đồng thời với việc tuyển lựa cán bộ giỏi, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm xử lý dứt điểm các DN thua lỗ, nợ đọng, đặc biệt là lùm xùm ở các DN mất đoàn kết kéo dài.

"Chúng ta trân trọng những người đóng góp xây dựng tập đoàn nhưng khi có khuyết điểm hoặc trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu mới thì cũng phải kiểm điểm, nói rõ vấn đề và tất cả phải hướng tới lợi ích chung".

Câu chuyện sai phạm Vinashin tiếp tục được dẫn như một bài học đau xót về việc các hành vi làm trái đã gây ra cái nhìn không hay cho khối DNNN.

"Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai", Thủ tướng chia sẻ.

Yếu kém trong công tác cán bộ được nhìn nhận là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong hoạt động DNNN vừa qua. Hai nguyên nhân còn lại là do bất cập thể chế và trách nhiệm tổ chức điều hành của cấp ủy, chính quyền, bộ ngành.

Người đứng đầu Chính phủ tổng kết, cơ chế quản lý cán bộ quản lý tại DNNN vẫn còn “nhùng nhằng”, rất khó và vướng cho Chính phủ trong điều hành, vì vậy phải được hoàn thiện.

Trong phần đăng đàn trước đó, phần phát biểu của Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được Thủ tướng chú ý. Ông Đức tiết lộ, bí quyết thành công của các tổng công ty quân đội là luôn chọn người đứng đầu giỏi, thậm chí phải thi tuyển. Người đứng đầu luôn phải báo cáo cấp trên chính xác về tình hình tài chính doanh nghiệp.

Đánh giá phải công bằng

Lắng nghe bài học kinh nghiệm của các bộ, ngành và DN trong mười năm qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước phải công bằng, nhìn thẳng ưu, khuyết điểm thay vì chỉ thấy mặt trái.

“Đánh giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới nhằm bảo đảm 2 mục tiêu: DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô; bảo đảm hiệu quả hoạt động của DNNN phải tương xứng với tiềm năng. Đề án tái cơ cấu DNNN sẽ được hoàn thiện với nội dung tái cơ cấu cho từng tập đoàn, tổng công ty.

Mười năm đổi mới vừa qua đã giảm mạnh được DNNN nhỏ và DN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Hiện chỉ còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tức là đã có khoảng 4.000 DNNN được sắp xếp lại. Nhờ vậy, DNNN tập trung vào các lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, không tràn lan như trước.

Sắp xếp DNNN thời gian qua thành công nhất là ở cổ phần hóa. DNNN chủ yếu là đa sở hữu, nhờ đó hoạt động năng động, hiệu quả hơn. Cổ phần hóa nhưng vẫn bảo đảm vai trò của DNNN. Thủ tướng cho rằng, DNNN đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, bảo đảm giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, tiền tệ, hàng không, viễn thông. “Hàng không thế giới qua mấy lần khủng hoảng nhưng hàng không Việt Nam vẫn bảo đảm có lãi. Viễn thông phát triển vượt bậc tác động lớn đến hạ tầng kỹ thuật đất nước. Xây dựng các công trình lớn, trọng điểm như thủy điện Sơn La. Các sản phẩm công ích, quốc phòng an ninh .. Tất cả đều do DNNN đảm trách, đó là điều không thể phủ nhận”, Thủ tướng lưu ý.

Thời gian tới, chúng ta không thể mở hết đường bay cho quốc tế, mở cửa viễn thông, đóng tàu bảo đảm an ninh quốc phòng... Những vị trí then chốt này vẫn phải do DNNN đảm nhận.

Vai trò của DNNN không phải chỉ là kiếm tiền. Nhiều DNNN phải chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành để bảo đảm kiềm chế lạm phát, vì thế không thể coi đó là làm ăn kém hiệu quả. “Điện hiện nay bán thấp hơn giá thành, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này Chính phủ đã nhìn thấy nhưng đó là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kiềm chế lạm phát. Phải làm rõ điều này. Nếu các tập đoàn đầu tư ngoài ngành mà lỗ thì phải tách riêng để xử lý nghiêm, nhưng lỗ mà do mục tiêu bình ổn giá thì phải đánh giá công bằng để nhân dân, xã hội hiểu. Xăng dầu cũng vậy”, Thủ tướng nói.

Đại biểu trao đổi với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giờ giải lao. Ảnh: Lê Nhung

Những mặt trái cũng được người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, như tiến độ cổ phần hóa còn chậm. Nhiều DN 20 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm chuyện thua lỗ. Quá trình thoái vốn ở DNNN cũng quá chậm. Hiệu quả trong một số tập đoàn, tổng công ty vẫn thấp, thua lỗ. Có biểu hiện làm trái gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, làm mất lòng tin của xã hội, mất tuy tín của hệ thống.

Không thể tư nhân hóa mọi thứ

Người đứng đầu Chính phủ đề xuất Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hoàn thiện hệ thống thể chế, “không nên phê phán Chính phủ nhiều nữa, cần tập trung vào làm”.

Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: Sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. “Phải kiên định điều này, không thể tư nhân hóa hết mọi thứ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện thể chế về hoạt động của DNNN, trong đó cần làm rõ vai trò của quản lý nhà nước, chủ sở hữu, công tác cán bộ, hành lang để sáp nhập, giải thể doanh nghiệp.

Thứ hai, cần làm rõ sắp xếp, quản lý các nông - lâm trường quốc doanh. Theo đó, cần tách bạch nông trường và lâm trường, định rõ cơ chế quản lý. Thứ ba, ngay trong năm 2011, phải phê duyệt xong phương án sắp xếp lại từng DNNN, phân loại rõ các loại hình: DN 100% vốn Nhà nước; DN không cần giữ 100% vốn chi phối; DN nào cổ phần hóa nhiều, DN nào cổ phần hóa ít.

”Từng DN phải có phương án cụ thể. Chỉ giữ lại DN 100% vốn Nhà nước nếu thực sự cần thiết. Kể cả phương án đã được phê duyệt cũng phải rà soát lại. Quyết tâm đến 2015, kết thúc nhiệm kỳ sẽ hoàn thành xong việc sắp xếp, đổi mới DNNN”, Thủ tướng nói.

“Quan trọng là việc tổ chức thực hiện. Chính phủ đã phê duyệt xong phương án sắp xếp các DNNN, đang khẩn trương hoàn hiện đề án tái cơ cấu DNNN. Cần đề cao trách nhiệm ở từng cấp, giám sát tốt việc thực hiện. Phấn đấu ngay từ năm 2012 sẽ tăng tốc việc sắp xếp, đổi mới DNNN’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, "tái cơ cấu để DNNN có hiệu quả cao hơn so với nguồn lực nhân dân, đất nước giao cho. Thứ hai, làm tròn được đúng vai trò chức năng mà Đảng, Nhà nước đã giao. Hiệu quả kinh tế phải gắn với điều kiện và nguồn vốn được giao".

Ngày mai, Thủ tướng chủ trì tổ chức một hội nghị khác sơ kết riêng về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.

Lê Nhung

Làm DN độc quyền, lương hơn 10 triệu
Lương trung bình ở DN dầu khí, điện... 100% vốn nhà nước là 8,14 triệu đồng/tháng. Nhóm ngân hàng, tài chính 10, 5 triệu. Một số tổng giám đốc nhận lương 70 - 80 triệu.
 
Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn đang gặp khó
Chính phủ xác định rõ 7 phương hướng tái cơ cấu DNNN thời gian tới, trong đó làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang khó khăn về tài chính.