- Những đảo lộn chính trị - xã hội chỉ bất ngờ đối với giới cầm quyền độc tài. Say sưa với ảo tưởng quyền lực tuyệt đối, họ không nhìn thấy những u uất đang âm thầm tích tụ...

Đang trôi qua những ngày cuối cùng của năm 2011 đầy biến động trên toàn thế giới.

Biến động đã diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực, không chỉ trên các địa bàn chính trị - kinh tế chủ yếu, mà cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Bão táp đã nổi lên trong lòng những xã hội đã nhiều năm tích tụ mâu thuẫn gay gắt lôi kéo hàng chục triệu người vào những cuộc xung đột đẫm máu. Quá nhiều nhân họa và thiên tai loài người phải chịu đựng trong năm 2011 với những tổn thất không thể đo đếm được.

Có thể nói các sự kiện 2011 đã gửi đi một thông điệp chung: Để tránh khỏi con đường tự hủy diệt về vật chất và tinh thần, nhân loại không thể tiếp tục đối xử với đồng loại và thiên nhiên như hiện nay. Nếu để xảy ra nguy cơ hủy diệt trong tương lai, thì tổn thất sẽ chia đều cho mọi người, không phân biệt màu da, tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo, địa vị xã hội.

Hàng nghìn người Libya đổ ra đường tham dự lễ mừng chiến thắng và tự do Ảnh: Getty Images

Cái giá phải trả

Bão táp hoặc sóng ngầm trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa diễn ra với các thể chế chính trị - xã hội, tương tác theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng, xuyên qua các đường biên giới và các thể chế, tác động mạnh mẽ, sâu xa đến đời sống vật chất và tinh thần cả thế giới.

Ở các nước như Ai Cập, Libya, Syria… đã bùng nổ và lan nhanh như đám cháy những xung đột quyết liệt, đẫm máu quy mô toàn xã hội. Nhiều ngàn người bị tàn sát bằng cả bom đạn đại bác, máy bay của chính quân đội nước mình. Nhiều tổng thống từng ngự trị nhiều thập kỷ trên đỉnh cao quyền lực độc đoán, phút chốc bị đạp xuống bùn đen, bị giết, bị ra tòa, bị nguyền rủa vì những tội lỗi độc tài, tham nhũng, sa đọa, phè phỡn tột cùng trong đói khổ của đồng bào, vì tội ác không ghê tay tàn sát nhân dân để bảo vệ quyền lợi và địa vị ích kỷ của mình và tập đoàn. Các làn sóng xung động ở những nơi đó vẫn chưa ngưng lại, chưa biết sẽ xô đẩy xã hội về đâu. Cũng không loại trừ khả năng lặp lại một điều cay đắng lịch sử: Lần theo con đường máu của nhân dân, những kẻ gian manh đang dò dẫm những bước đi đầu tiên đến ngôi bạo chúa.

Những đảo lộn chính trị - xã hội chỉ bất ngờ đối với giới cầm quyền độc tài. Say sưa với ảo tưởng quyền lực tuyệt đối, họ không nghe thấy những hồi chuông báo động, không nhìn thấy những u uất đang âm thầm tích tụ lại trong xã hội dưới vẻ ngoài yên ả theo trật tự của họ. Khi bị đạp đổ, họ sửng sốt, đối phó hoảng loạn, kêu toáng lên về sự can thiệp từ ngoài. Họa, phúc có nguồn. Mọi biến động lớn không thể là việc ngẫu nhiên, mà đều có nguyên nhân sâu xa từ mâu thuẫn nội tại đã tích tụ đến mức cả xã hội không chịu đựng nổi. Các thế lực bên ngoài có thể tác động, nhưng không ai có thể “cấy vào”, “tạo ra” những biến động đó.

Có thể có đánh giá khác nhau về cái giá phải trả, về sự thiệt hơn, được mất; về sự khôn dại của các chính khách độc tài… Nhưng chắc chắn không có lý do chính trị và đạo lý nào có thể biện hộ cho các nhà độc tài và cả những ai đứng về phía họ. Khi khởi đầu sự nghiệp chính trị, họ có thể từng có xu hướng tiến bộ, nhưng ngồi quá lâu trên địa vị quyền lực độc tôn tuyệt đối, họ và phe lũ đã suy đồi về mọi phương diện, để cuối cùng trở thành kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của mọi phát triển tiến bộ. Cái giá họ phải trả vẫn chưa xứng với trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu về tai họa họ đã gây ra.

Tức nước vỡ bờ, một khi đám cháy đã bùng lên thì không dễ gì dập tắt.

Khoảng một nửa thế kỷ trước đây, trong làn sóng phi thực dân hóa, đã ra đời hàng loạt nhà nước mới. Do những điều kiện đặc thù, nhiều quốc gia đã thiết lập chính thể độc tài dưới nhiều hình thức, với các định hướng phát triển khác nhau. Trong khi hầu hết các chính thể đó nhanh chóng rơi vào thất bại, thì cũng có ngoại lệ: Ở một vài nước không chọn định hướng XHCN, nền cai trị độc tài trong ngắn hạn đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Khi đạt đến một trình độ phát triển nhất định, họ đã chủ động thực hiện quá trình chuyển từ chính thể độc tài sang dân chủ. Cái giá phải trả cho quá trình này không nhỏ, nhưng chắc chắn nhỏ hơn nhiều so với việc ngoan cố bám giữ chế độ độc tài.

Nhưng đến nay thì chính thể độc tài mọi mô hình đều hết đất sống, nhất thiết phải bị xóa bỏ, hoặc bằng con đường chuyển tiếp ôn hòa, hoặc thông qua bạo lực. Trong năm 2011 nhiều quốc gia đang vận động trong quá trình này.

Sự sụp đổ thê thảm của các chính thể độc tài vừa qua và những tổn thất to lớn chúng gây ra đối với đất nước đã thúc đẩy xu thế chủ động chọn con đường ôn hòa chuyển tiếp từ chính thể độc tài sang dân chủ. Công khai hoặc lặng lẽ, giới lãnh đạo nhiều nước đã chủ động đi theo con đường này. Ngược lại, ở nơi nào không chịu vận động theo xu thế đó, chắc chắn cuối cùng cũng không tránh khỏi thất bại, mà còn đẩy đất nước vào tai họa khôn lường.

Không chấp nhận trật tự hiện hành

Sự thất bại của mô hình nhà nước Xô viết đã làm tàn lụi ngọn lửa hy vọng có lúc được thắp lên về con đường đi đến một chế độ xã hội tốt đẹp hơn. Những khuyết tật của mô hình Xô viết như một đối chứng, đã làm cho nhiều người mặc nhiên thừa nhận trật tự tư bản chủ nghĩa là phù hợp, vẫn còn sống động, những nguyên tắc cơ bản của nó chẳng những đúng cho hiện tại mà còn có thể mang vào tương lai.

Nhà nước Xô viết và hệ thống XHCN đã sụp đổ 20 năm. Trật tự TBCN hiện tại đang tự phủ định mình vì nó đã không giải quyết được bất kỳ vấn nạn nào của loài người, thậm chí còn làm nảy sinh những vấn nạn mới, làm trầm trọng thêm một số vấn nạn cũ. Năm 2011 khẳng định điều đó.

Trong phạm vi từng quốc gia, cũng như trên bình diện quốc tế, nó đã không xóa bỏ được bất công và áp bức xã hội, bất chấp ý tưởng và kế hoạch của nhà cầm quyền: Phân hóa giàu nghèo ngày một gay gắt trong cả những xã hội giàu có nhất, kinh tế suy thoái thì phân hóa càng mạnh, nhóm nhỏ chóp bu ngày càng chiếm đoạt phần lớn của cải và thặng dư lao động xã hội, chi phối mạnh mẽ hơn nền chính trị quốc gia và xuyên quốc gia.

Nhiều chế định kinh tế, tài chính, xã hội hiện hành, trái với vẻ ngoài hào nhoáng của nó, thực chất chỉ dẫn đến sự chiếm đoạt của cải xã hội một cách bất công hơn, với quy mô lớn hơn. Nước giàu thì càng giàu, nước nghèo càng kiệt quệ. Phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội tăng lên tất yếu làm cho mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn quốc gia thêm căng thẳng. Một khi đã mất đi mô hình Xô viết để so sánh, tâm trạng bất mãn, phủ định trật tự hiện hành được kích hoạt và sẽ nhanh chóng phát triển.

Các cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và châu Âu kéo kinh tế các nước đó và cả thế giới vào thời kỳ đình đốn, để đến năm 2011 đã bộc phát gay gắt, làm rung chuyển nhiều thể chế quốc gia, khu vực và quốc tế. Trật tự hiện hành đã tỏ ra bất lực không thể quản lý các quá trình phát triển xã hội, luôn vận hành theo sức hút lợi ích của giới “tai to mặt lớn”. Điểm mới của phong trào “Chiếm phố Wall” phải chăng là ở chỗ, người ta biểu tình không chỉ để phản đối, ủng hộ, đòi hỏi những vấn đề cụ thể, mà để bày tỏ sự không chấp nhận trật tự xã hội hiện hành, đòi hỏi thay đổi nó một cách cơ bản. Sự phủ định đang hình thành ngay tại chính những trung tâm tiêu biểu của thể chế, bởi quần chúng đông đảo thuộc các tầng lớp xã hội, bao gồm cả những trí thức tiêu biểu.

Trật tự hiện tại cũng không giải quyết được những thống khổ của nhân loại, những xung đột quốc gia, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo… Mặc dù loài người đã có bao nhiêu phát minh, sáng tạo khoa học và công nghệ trên mọi lĩnh vực, đã làm ra một khối lượng sản phẩm vật chất gấp bội so với trước, nhưng hàng trăm triệu người vẫn chịu đói rét, hàng triệu người chết đói mỗi năm. Các vụ đánh bom tự sát, giết người hàng loạt diễn ra liên miên, diện mỗi ngày một mở rộng. Môi trường sống ngày càng ô nhiễm, tiến trình bóc lột, hủy hoại trái đất không kìm lại được. Bao nhiêu nghìn người, phần lớn là người nghèo khổ, sống ở những nước kém phát triển, bị nuốt chửng bởi động đất, sóng thần và các thảm họa môi trường, trong khi những kẻ cướp bóc thiên nhiên vẫn mặc sức hoành hành.

Nói một cách khái quát, bản chất của những biến động năm 2011 không chỉ là những phản ứng ở tầm chính sách, mà cao hơn là sự phủ nhận trật tự hiện hành. Nó đặt ra vấn đề phải tìm ra hình thái mới, phù hợp hơn. Vấn đề này đã trở thành cấp bách đối với cả thế giới, dù rằng còn nhiều dân tộc vẫn chưa đi hết đoạn đường của hình thái hiện tồn. Thế giới đã đủ điều kiện vật chất cơ bản để loài người có thể đoạn tuyệt với thói quen thú vật ăn thịt nhau, áp bức, tước đoạt nhau để sống; để thay đổi mối quan hệ giữa con người với nhau; để từ đó có thể thay đổi quan hệ con người với môi trường sống và thiên nhiên. Nếu nhân loại vẫn tiếp tục bằng lòng hoặc cầm lòng tư duy và hành động như hiện tại thì có thể sẽ quá muộn để thoát khỏi điều mà Kinh thánh đã nêu ra một cách đầy biểu tượng là Sự phán xét cuối cùng.

Chỉ có hy vọng giải quyết được vấn đề này nếu có thể tập trung được ý chí, lương tri, trí tuệ của nhân loại, trước hết là từ phía các nhà cầm quyền, các chính khách, các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới trí thức tinh hoa của các dân tộc. Với sự phát triển hiện nay của văn hóa và trí tuệ, với tinh thần là thành viên của một cộng đồng nhân loại chung số phận mất còn, thì có cơ may, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại có thể bước sang một hình thái phát triển cao hơn mà không phải đổ máu.

Bùi Đức Lại

2011: Gió xoay chiều trên chính trường thế giới
Những sự kiện xảy ra trên khắp thế giới 12 tháng qua phần lớn đều là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi hoặc báo hiệu thay đổi trong hoạt động chính trường… 
 
Tunisia và Libya: Hai gương mặt Mùa xuân Ảrập
Sinh ra trong chiến tranh và máu đổ, được sự trợ giúp từ bên ngoài, một nước Libya mới dường như tìm con đường đi cho mình sẽ khó khăn và thách thức hơn nhiều so với Tunisia. 
 
Biểu tình Phố Wall - Mùa xuân Ảrập lan sang Mỹ?
Bước sang tuần thứ 3 liên tiếp, phong trào biểu tình chiếm khu phố tài chính Wall Street ở New York đã lan ra toàn nước Mỹ. Hàng trăm người bị bắt giữ.