- Những sự kiện xảy ra trên khắp thế giới 12 tháng qua phần lớn đều là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi hoặc báo hiệu thay đổi trong hoạt động chính trường, quản trị đất nước, hay hoạch định chính sách đối ngoại…
Từ mùa xuân Ảrập tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, từ Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên hay sự thất thế của đảng cầm quyền Nga trong bầu cử quốc hội, từ sự sụp đổ của chính quyền độc tài Gaddafi hay quyết tâm trở lại và khẳng định sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ…. đều nói lên điều đó.
Tunisia đã tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Ảnh: AP |
Mùa xuân Ảrập: Nối dài tới mùa đông
Khi một người đàn ông trẻ tự thiêu trên con phố ở thị trấn Sidi Bouzid của Tunisia, tiếng khóc và nỗi thống khổ của anh về cuộc sống đầy rẫy khó khăn dưới một chế độ chuyên quyền đã vang dội và lan xa khắp khu vực. Trong vòng vài tuần, hình ảnh của anh đã là ngọn lửa bốc cao cho một cuộc nổi dậy của người dân ở khắp Trung Đông. Và nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả là Ai Cập - quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ảrập và cũng là trung tâm văn hóa khu vực.
Chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak, với sự trợ giúp từ Mỹ, tồn tại trong suốt ba thập niên và hiện diện ở mọi ngóc ngách của xã hội Ai Cập. Nhưng hình ảnh người Tunisia lật đổ nhà cầm quyền lâu năm, Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali, đã khích lệ các nhóm bất đồng chính kiến ở Ai Cập. Thông qua truyền thông xã hội và Internet, người biểu tình tổ chức Ngày nổi dậy vào ngày 25/1 với hàng nghìn người đổ xuống đường phố tuần hành phản đối ông Mubarak. Quảng trường Tahrir ở Cairo trở thành nơi tâm trung biểu tình và là biểu tượng của cuộc nổi dậy. Trong vài tuần, một chế độ tồn tại lâu dài tưởng như bất khả chiến bại đã tan rã, Ai Cập tuyên bố sự ra đi của ông Mubarak vào ngày 11/2. Giờ đây ông bị chính quyền quân sự lâm thời xét xử với các cáo buộc tham nhũng và đàn áp người biểu tình. Ai Cập tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ngày 27/1 nhưng vẫn còn bất ổn. Nhiều tuần trước bầu cử, hàng nghìn người lại tập trung ở Quảng trường Tahrir, thể hiện sự lo lắng với cam kết mơ hồ của quân đội về nền dân chủ thực sự.
Cho tới nay, dù đã là mùa đông, nhưng dư âm của Mùa xuân Ảrập vẫn tiếp tục kéo dài với những diễn biến đang ngày một thêm nóng bỏng ở Syria, Yemen…
Hàng nghìn người Libya đổ ra đường dự lễ mừng chiến thắng và tự do. Ảnh: Getty Images |
Chế độ cầm quyền kéo dài bốn thập niên của Muammar Gaddafi với quốc gia giàu dầu mỏ ở Bắc Phi đã kết thúc nghiệt ngã vào ngày 20/10/2011. Đầu tháng 3, phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập đã lan tới Libya và trở thành một cuộc nội chiến giữa các lực lượng trung thành với Gaddafi và phe nhóm phản đối ông. LHQ thông qua nghị quyết mà thực chất là hợp thức hóa sự can thiệp của nước ngoài.
Chiến dịch của NATO chính thức bắt đầu trong tháng 4 và làm thu hẹp đáng kể lực lượng của Gaddafi. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài nhiều tháng sau đó. Vào thời điểm kết thúc nội chiến, ước tính có từ 20.000 - 40.000 người Libya thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa phải đi tị nạn. Ngày 20/10, đoàn xe của Gaddafi bị quân nổi dậy phát hiện, nhà lãnh đạo của quốc gia Bắc Phi lừng lẫy một thời bị giết chết. Sau đó, thi thể đẫm máu của ông được “trưng bày” tại kho đông lạnh ở thành phố Misratah để người dân tới xem.
Trong khi sự hân hoan chào mừng
tự do diễn ra trên khắp đất nước thì thì cái chết của cựu lãnh đạo Libya Gaddafi
lại làm dấy lên mối bất hòa giữa các nhà lãnh đạo mới của Libya. Sinh ra trong
chiến tranh và máu đổ, được sự trợ giúp nhiều từ bên ngoài, một nước Libya mới
dường như tìm ra con đường đi cho mình sẽ khó khăn và thách thức hơn nhiều so
với Tunisia hay thậm chí Ai Cập.
Sấm sét nợ công giáng xuống châu Âu. Ảnh: Economist |
Các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính đã bóc trần thực trạng vô trách nhiệm với công việc tăng trưởng và thịnh vượng ở một số nền kinh tế khu vực đồng euro, đặc biệt là tại Hy Lạp, nơi đề xuất cứu trợ từ IMF và châu Âu với yêu cầu cắt giảm ngân sách mạnh mẽ và hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng khác. Phản ứng trở lại, hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Athens và những nơi khác để phản đối các tổ chức tài chính hiện hành và giới tinh hoa chính trị tắc trách đã đẩy họ vào hỗn loạn. Cuộc biểu tình tương tự đã làm rung chuyển Tây Ban Nha.
Ở cả hai quốc gia, chính phủ đương nhiệm đã sụp đổ và thủ tướng đều phải ra đi. Nguy cơ hỗn loạn tài chính từ Hy Lạp lan rộng khắp nơi và đẩy Italy - nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro - tới bờ vực, buộc thủ tướng Silvio Berlusconi - người đàn ông với hàng loạt bê bối tình dục và tài chính - không thể trụ vững ghế. Cuộc khủng hoảng thậm chí còn đe dọa sự giải thể đồng tiền chung euro. Còn người dân thì bất bình khắp nơi, kể cả ở Đức - đầu máy kinh tế chính của châu lục và nhà cho vay lớn nhất khi các chính phủ phải áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng và có nghĩa vụ giải cứu láng giềng gặp khó khăn.
Cuộc khủng hoảng cũng khiến hàng
loạt nước trên thế giới (nhất là châu Âu) bị hạ mức tín nhiệm. Nhật Bản, nền
kinh tế lớn thứ ba thế giới ngay từ tháng 1/2011 đã bị S&P hạ cấp tín dụng từ
“AA” xuống “AA -". Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị hạ cấp tín nhiệm
vào tháng 8/2011. Đặc biệt sự trì trệ về kinh tế, tăng trưởng đã châm ngòi cho
cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” của dân chúng với khẩu hiệu “99% dân Mỹ
chống lại 1% kẻ giàu có”.
Thái An
Phần 2: Obama tới Thái Bình Dương: 'Chúng tôi đến đây và ở lại'