Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị thúc ép về vấn đề nhân quyền và thương mại khi người Mỹ có cái nhìn đầu tiên về nhân vật sẽ kế nhiệm nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào.


Ảnh: EPA

Tại cuộc gặp với ông Tập ngày 14/2, ông Obama đã cảnh báo rằng, Bắc Kinh phải chơi đúng luật như các cường quốc khác trong nền kinh tế thế giới. Tổng thống Mỹ còn thúc ép phó Chủ tịch Trung Quốc về hồ sơ nhân quyền. Về phần mình, ông Tập cho rằng, nước ông có những tiến bộ tuyệt vời trong lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh: “Dĩ nhiên, luôn có chỗ cho cải cách”.

Các quan chức Mỹ coi chuyến thăm của ông Tập tuần này là cơ hội để xác định vị thế người được cho là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng bí thư cuối năm nay và Chủ tịch Trung Quốc vào năm tới. Cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung - Mỹ tại Nhà Trắng diễn ra vào đúng thời điểm căng thẳng hai bên về thâm hụt thương mại nghiêng về Trung Quốc, tranh cãi tỉ giá đồng nhân dân tệ cũng như sự mở rộng hiện diện quân sự của cả hai nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi hai nhà khổng lồ này cạnh tranh ảnh hưởng.

Trong phát biểu công khai tại cuộc gặp với ông Tập, Tổng thống Obama nói, Mỹ tin là một Trung Quốc hùng mạnh có thể góp phần cho sự ổn định và thịnh vượng khu vực. Nhưng ông cũng không quên lên tiếng cảnh báo về thương mại.

"Chúng tôi phải cố gắng nhấn mạnh rằng, vì sự phát triển khác thường của Trung Quốc trong hai thập niên qua, việc mở rộng sức mạnh và thịnh vượng cũng sẽ đi kèm với các trách nhiệm gia tăng. Vì thế chúng tôi muốn làm việc với Trung Quốc để đảm bảo tất cả mọi người đều làm việc đúng luật và cùng những nguyên tắc khi họ tới với hệ thống kinh tế thế giới - điều đó bao gồm cả dòng chảy thương mại cân bằng không chỉ giữa Mỹ - Trung Quốc mà còn những nơi khác trên thế giới”, ông Obama tuyên bố.

Washington coi ông Tập Cận Bình là nhân vật bí ẩn. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke gần đây quan sát rằng, các quan chức Mỹ “thực sự không biết nhiều về ông”. Daniel Russel, phụ trách nghiên cứu chính sách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói, chuyến thăm cơ bản là để “chúng ta biết nhiều hơn về ông ấy” và cũng là để Tập Cận Bình “mở rộng sự hiểu biết về Mỹ”.

Những thông tin ít ỏi để Mỹ có thể kết luận về ông Tập là người tự tin và cởi mở hơn trong giao thiệp với Phương Tây so với người mà ông sẽ kế nhiệm - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Nhiều chuyện quan ngại

Phó Tổng thống Mỹ Biden cho hay, ông Obama đã đề cập với ông Tập “nhiều vấn đề quan ngại” từ tỉ giá đồng nhân dân tệ tới việc Bắc Kinh phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria. Nhưng tâm điểm vẫn là chuyện thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - một phần bởi nó là vấn đề chính trị nội bộ ngày càng lớn ở Mỹ. Các ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hoà đang cáo buộc Obama không đủ cứng rắn đối phó với vấn đề tỉ giá của Trung Quốc cũng như nhiều thực tiễn thương mại bất công bằng khác.

Bản thân ông Biden, trong bữa trưa với ông Tập cũng thẳng thắn nói về các khác biệt trong vấn đề thương mại. "Ngay cả khi hợp tác giữa chúng ta gia tăng, thì Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh. Là người Mỹ, chúng tôi hoan nghênh cạnh tranh. Và hợp tác, như tôi đã nói, chỉ có thể cùng có lợi nếu cuộc chơi công bằng”, ông nói.

Ông Tập trả lời rằng: "Chúng ta nên giải quyết những lo lắng kinh tế và thương mại của mỗi bên thông qua hội đàm và đàm phán, chứ không phải bảo hộ”. Ông thừa nhận những quan ngại của Mỹ trước khi ông đặt chân đến Washington. Trong phần trả lời câu hỏi phỏng vấn của Washington Post, ông viết: "Những va chạm và bất đồng là khó tránh khỏi trong tương tác kinh tế và thương mại giữa chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta cần giải quyết các khác biệt ấy thông qua sự phối hợp trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Chúng ta không được để các va chạm và bất đồng làm xói mòn những lợi ích lớn hơn trong hợp tác kinh doanh của chúng ta”.

Trung Quốc cũng có những phàn nàn riêng của mình, không chỉ là việc Mỹ chuyển đổi tài nguyên quân sự hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm kế hoạch mở căn cứ quân sự mới tại Australia. Ông Tập sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và các quan chức quốc phòng cấp cao khác tại Lầu Năm Góc - nơi có nhiều quan tâm tới việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng quân sự ở châu Á. 

Trong hôm nay, ông Tập sẽ tới Muscatine, Iowa, để gặp gỡ với một nhóm người Mỹ mà ông từng biết trong chuyến thăm năm 1985.

Ông Tập nói với Washington Post rằng, chuyến thăm có ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm của ông về Mỹ. “Tôi ấn tượng sâu sắc về công nghệ hiện đại của Mỹ, về sự hiếu khách và cần cù của người Mỹ. Chuyến thăm này cho tôi sự hiểu biết tốt hơn về quan hệ Trung - Mỹ”.

Thái An (theo Guardian)