Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân năm ngoái, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không biết thực tế mức độ tổn thất của nhà máy và bí mật cân nhắc khả năng sơ tán Tokyo, thậm chí dù đã cố gắng làm giảm nguy cơ khi tuyên bố trước công chúng.


Một báo cáo điều tra độc lập về cuộc khủng hoảng hạt nhân tiết lộ điều này trong hôm qua.

Cuộc điều tra do Quỹ sáng kiến tái thiết Nhật Bản - một tổ chức chính sách tư nhân mới thực hiện. Điều tra cung cấp những đánh giá sinh động về sự bấp bênh thế nào của Nhật Bản ngay bờ vực một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Một nhóm gồm 30 giáo sư đại học, luật sư, nhà báo đã có hơn 6 tháng tìm hiểu về phản ứng của Nhật với sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima xảy ra sau một trận động đất, sóng thần hủy diệt ngày 11/3 là ngừng trệ hệ thống làm mát của nhà máy.

Đội công tác đã phỏng vấn hơn 300 người trong đó có các nhà quản lý hạt nhân hàng đầu, quan chức chính phủ và cả vị thủ tướng trong khủng hoảng Naoto Kan. Họ được quyền tiếp cận đặc biệt, một phần là vì yêu cầu mạnh mẽ của người dân trước trách nhiệm giải trình lớn hơn, và một phần vì nhà sáng lập ra tổ chức này - Yoichi Funabashi - cựu tổng biên tập nhật báo Asahi Shimbun là một trong những trí thức nổi tiếng của Nhật.

Các thành viên truyền thông có chuyến công tác tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima tuần trước. Một báo cáo mới tiết lộ rằng, lãnh đạo Nhật đã cân nhắc tới khả năng sơ tán Tokyo, cách đó về phía nam 150 dặm khi cuộc khủng hoảng hạt nhân bùng nổ ở nhà máy vào tháng 3/2011. Ảnh: Reuters

Bản sao trước của báo cáo đã mô tả phản ứng khác nhau của những nhân vật chính trong cuộc thời điểm đó: Ông Kan; trụ sở tại Tokyo của hãng vận hành nhà máy hạt nhân - Tokyo Electric Power gọi là Tepco; và người quản lý tại nhà máy đang xảy ra sự cố. Các thông tin đưa ra lẫn lộn đôi khi là mâu thuẫn trong những ngày đầu khủng hoảng, báo cáo cho biết.

Nó cũng mô tả những cuộc gọi điên cuồng của nhà quản lý Masao Yoshida tới các quan chức hàng đầu trong chính phủ của ông Kan, với lập luận rằng, ông có thể giữ nhà máy trong tầm kiểm soát nếu giữa được nhân viên của mình tại chỗ, trong khi cùng lúc phớt lờ các lệnh từ trụ sở của Tepco yêu cầu không sử dụng nước biển để làm mát các lò phản ứng quá nóng. Ngược lại, ông Funabashi nói trong cuộc phỏng vấn rằng, Chủ tịch Tepco là Masataka Shimizu, đã có các cuộc gọi tới văn phòng thủ tướng nói, công ty cần sơ tán hết các nhân viên - một bước đi có thể gây hậu quả.

Báo cáo dài 400 trang dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này, còn mô tả tâm trạng tăm tối tại dinh thủ tướng khi hàng loạt vụ nổ xảy ra ở nhà máy vào 14 và 15/3.

Hoảng loạn

Theo đó, ông Kan và các quan chức khác đã bắt đầu thảo luận về kết quả tồi tệ nhất nếu các công nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi được sơ tán. Động thái này có thể khiến nhà máy vượt ra ngoài tầm kiểm soát, phát ra lượng lớn chất phóng xạ vào không khí dẫn tới khả năng buộc phải sơ tán các nhà máy hạt nhân khác lân cận - dẫn tới sự tan chảy nhiều hơn nữa.

Báo cáo trích dẫn lời của chánh văn phòng nội các Nhật khi ấy, Yukio Edano, với cảnh báo về “chuỗi phản ứng dây chuyền” của sự tan chảy hạt nhân dẫn tới kết quả phải sơ tán Tokyo - cách nhà máy về phía nam 150 dặm. “Chúng ta sẽ mất Fukushima Daini, sau đó sẽ mất Tokai”, ông Edano nói về tên hai nhà máy hạt nhân khác. “Nếu điều đó xảy ra, thì kết luận hợp lý duy nhất là chúng ta cũng sẽ mất chính Tokyo”.

Báo cáo mô tả sự hoảng loạn trong chính quyền của ông Kan về viễn cảnh sự phát thải hạt nhân lớn hơn từ hơn 10.000 thanh nhiên liệu được giữ trong các bể hầu như không được bảo vệ ở gần các lò phản ứng bị hư hỏng. Báo cáo nói rằng, không phải tới tận năm ngày sau động đất thì một máy bay quân sự Nhật cuối cùng đã có thể xác nhận rằng, bể chứa được cho là có nguy cơ cao nhất ở gần lò phản ứng số 4 vẫn an toàn.

“Chúng ta chỉ vừa tránh được kịch bản tồi tệ nhất, cho dù người dân không biết điều này vào thời điểm đó”, ông Funabashi, người sáng lập quỹ nói. Ông đổ lỗi cho sự sợ hãi của chính quyền Kan làm ảnh hưởng tới quyết định cố làm giảm những nguy cơ thực sự của sự cố hạt nhân.

Giấu giếm

Ông nói, chính phủ Nhật Bản không chỉ giấu giếm các đánh giá đáng báo động nhất với người dân của mình, mà còn với các đồng minh như Mỹ. Theo ông Funabashi, cuộc điều tra đã tiết lộ “sự bấp bênh thế nào trong quan hệ Mỹ - Nhật” vào những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, cho tới khi hai quốc gia bắt đầu tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin hàng ngày tại dinh thủ tướng ngày 22/3.

Báo cáo này dường như xác nhận những nghi ngờ của các chuyên gia hạt nhân tại Mỹ - trong và ngoài chính phủ - rằng, chính phủ Nhật Bản đã không sẵn sàng được thông tin đầy đủ về những mối nguy hiểm về nhà máy Fukushima. Nhưng nó cũng cho thấy chính phủ Mỹ đôi khi phản ứng quá mức hoặc thổi phồng các rủi ro, kiểu như lúc quan chức Mỹ cảnh báo sai về các thanh nhiên liệu trong bể gần lò phản ứng số 4 đã bị tan chảy và phát ra lượng lớn phóng xạ.

Tuy nhiên, ông Funabashi nói, chính phủ Nhật đã không cảnh báo người dân về các mối nguy hiểm, sự mất lòng tin trong chính phủ đã thúc đẩy ông tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Những cuộc điều tra bên ngoài kiểu này là hiếm hoi tại Nhật, nơi người dân có xu thế chấp thuận các phiên bản chính thức của sự kiện.

Ông cho biết, nhóm của ông đã phát hiện ra các mâu thuẫn trong điều tra riêng của chính phủ về sự cố được công bố ở báo cáo tạm thời tháng 12. Sự khác biệt lớn liên quan tới một trong những thời điểm trọng yếu nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân, khi thủ tướng Kan tới trụ sở của Tepco vào sáng ngày 15/3 lúc nghe thấy rằng, công ty này muốn rút nhân viên khỏi nhà máy hạt nhân đổ nát.

Điều tra của chính phủ đứng về phía Tepco bằng cách nói rằng, ông Kan đơn giản là hiểu nhầm ý định của công ty, muốn rút một phần nhân viên của mình. Ông Funabashi cho hay, các nhà điều tra trong quỹ của ông đã phỏng vấn hầu hết những người liên quan - trừ các nhà điều hành ở Tepco khi họ từ chối hợp tác - và phát hiện rằng, công ty này thực tế đã muốn rút toàn bộ nhân viên của mình.

Ông tán thành việc ông Kan với quyết định đúng dắn là buộc Tepco không từ bỏ nhà máy. “Thủ tướng Kan có những cân nhắc và những sai lầm”, ông Funabashi nói, “nhưng quyết định của ông là lao tới Tepco và yêu cầu không từ bỏ ấy đã cứu Nhật Bản”.

Thái An (theo New York Times)