Thủ tướng Nga Putin tự tin lên tiếng rằng, ông sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống chủ nhật này, đồng thời bác bỏ các yêu cầu của phe đối lập và giữ lập trường chỉ trích mạnh mẽ Mỹ.


Putin, người hầu như chắc chắn giành lại ghế tổng thống, đã có bình luận về các cuộc biểu tình lớn phản đối kết quả bầu cử quốc hội thiên về đảng của ông, phản đối sự cầm quyền của ông. Ông nói đó là “kinh nghiệm tốt cho nước Nga”: "Tình hình đó đã giúp cho cơ cấu chính phủ trở nên có năng lực hơn, nêu lên sự cần thiết để tư duy, tìm ra giải pháp và giao tiếp với xã hội”.

  Ông Putin tại cuộc gặp với các tổng biên tập báo phương Tây. Ảnh: Rian

Phát biểu trong cuộc gặp hôm nay với tổng biên tập các tờ báo hàng đầu phương Tây được phát trên truyền hình quốc gia, ông Putin hứa sẽ tham gia đối thoại với người biểu tình, nhưng đồng thời cũng bác bỏ yêu cầu chính của phe đối lập là tổ chức lại cuộc bầu cử quốc hội từng diễn ra tháng 12.

Sau cuộc bầu cử này, phe đối lập tin là có gian lận với kết quả thiên về đảng của ông Putin. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại Moscow phản đối kết quả bầu cử.

Lúc này, phe đối lập tại Nga đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình quy mô lớn khác để phản đối những gì mà họ e ngại là sẽ có “thao túng” trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật.

Tại cuộc gặp các tổng biên tập, ông Putin khẳng định ông có được sự ủng hộ của phần lớn người Nga nhưng thừa nhận đã ít được ủng hộ hơn tại Moscow và các thành phố lớn khác.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông có được sự ủng hộ của khoảng 60% người được hỏi - kết quả mở đường cho một chiến thắng dễ dàng của Putin trong cuộc đua chống lại bốn ứng viên khác được Kremlin phê chuẩn.

Thủ tướng Nga cũng khẳng định quyết định ông và người kế nhiệm - Tổng thống Dmitry Medvedev - sẽ hoán đổi vị trí cho nhau trong cuộc bầu cử sắp tới được đưa ra là vì ông được yêu mến hơn.

Ngợi ca Obama

Ông Putin lần nữa xác nhận lời hứa để ông Medvedev làm thủ tướng nếu ông thắng cử. Putin khẳng định, cương vị thủ tướng sẽ cho phép ông Medvedev tiếp tục thực thi các cải cách mà ông tuyên bố khi là tổng thống đương nhiệm. Một số nhà quan sát cho rằng, dù sao thì với việc phê chuẩn ông Medvedev, ông Putin có thể tránh được làn sóng bất mãn có thể bị kích động từ các kế hoạch cải tổ kinh tế và xã hội mạnh tay.

Tín nhiệm của ông Putin đã sụt giảm vì những cuộc biểu tình phản đối, tuy nhiên, ông đã nỗ lực phủ sóng hàng ngày khi vào vai trò người bảo vệ các lợi ích dân tộc chống lại sự bành trướng nước ngoài và bảo vệ sự ổn định kinh tế cũng như xã hội.

Putin đã cáo buộc Mỹ kích động các cuộc biểu tình làm suy yếu nước Nga và kịch liệt chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa phòng thủ của NATO do Mỹ khởi xướng xung quanh châu Âu.

Ở cuộc gặp hôm nay, ông Putin khẳng định, kế hoạch lá chắn tên lửa sẽ nhằm mục tiêu ngăn chặn hạt nhân của Nga và làm xói mòn ổn định toàn cầu. Ông nói thêm rằng, sự khước từ của Washington trong việc mang lại cho Moscow văn bản đảm bảo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ không nhằm chống lại Nga, đã càng đào sâu những quan ngại sẵn có.

"Khi một bên ảo tưởng rằng, sẽ là bất khả xâm phạm trước hành động trả đũa của một bên khác, thì việc này chỉ làm gia tăng xung đột và hành xử hung hăng”, Putin nói. "Chúng tôi coi điều đó cực kỳ nguy hiểm".

Theo thủ tướng đương nhiệm của Nga, chính sách “thiết lập lại” mối quan hệ Mỹ - Nga của Tổng thống Barack Obama đã giúp đạt được hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới và đem lại đàm phán thành công cho việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, nhưng mang lại “thực tế không có gì” trong vấn đề bất đồng về tên lửa phòng thủ. Cùng lúc đó, Putin ca ngợi Obama là “hoàn toàn chân thành” trong chiều hướng cải thiện quan hệ với Nga.

Thái An (theo AP)