Hơn một thập niên, Israel đã xây dựng hệ thống quân đội chuyên dụng cho khả năng tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran. Họ đã cử lực lượng không quân tham gia các sứ mệnh đào tạo tác chiến tầm xa, mua sắm các loại bom phá hầm ngầm của Mỹ và củng cố hệ thống tên lửa phòng thủ.
Mỹ đoán hành động đáp trả của Iran
Tấn công Iran đẩy Mỹ trở lại suy thoái
Ảnh: defenseindustrydaily |
"Nếu Israel tấn công, thì mục tiêu là gửi thông điệp quyết tâm, thông điệp chính trị thay vì động thái chiến thuật", Yiftah Shapir, một cựu quan chức không quân Israel hiện là nhà phân tích quân sự tại tổ chức tư vấn INSS ở Tel Aviv nói.
Israel, cùng với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, tin rằng, Iran đã đạt những bước tiến đáng kể trong phát triển vũ khí hạt nhân. Tổ chức giám sát hạt nhân của LHQ đã trích dẫn mối lo ngại này trong những báo cáo đưa ra, nhưng nhấn mạnh rằng, các thanh sát viên của họ đã không tìm thấy bằng chứng trực tiếp chứng minh Iran hướng tới vũ khí nguyên tử.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Israel lập luận rằng, thời gian đang trôi quá nhanh. Họ ngày càng gia tăng áp lực, thúc giục cộng đồng quốc tế hành động cứng rắn và cụ thể hơn với Iran trong khi khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng hành động đơn lẻ nếu cần thiết. Quan chức quốc phòng Israel tin rằng, Iran có khả năng làm giàu uranium mức độ cao phục vụ cho sản xuất vũ khí trong vòng sáu tháng. Sau đó, Tehran có thể mất một hoặc hai năm để phát triển phương tiện cung cấp bom hạt nhân.
Phi đội chiến đấu
Nhưng người Israel tin rằng, cửa sổ cho hành động sẽ sớm đóng lại hơn thế nữa. Theo quan chức Tel Aviv, trong những tháng tới, Iran sẽ có đủ các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất với khả năng phòng thủ vượt ra ngoài tầm với của không quân thông thường, và thế giới sẽ không còn có khả năng ngăn chặn. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak gọi là "vùng miễn dịch".
Quan chức quốc phòng Israel thừa nhận rằng, kế hoạch "chăm sóc" Iran đã được tiến hành nhiều năm nay, với lực lượng không quân mang vai trò dẫn đầu trong hoạt động được tin là rất phức tạp này.
Israel có tổng cộng 300 máy bay chiến đấu, nhưng khoảng 100 chiếc sẽ tham gia nhiệm vụ. Nó sẽ bao gồm máy bay tấn công cũng như các máy bay sử dụng mục đích khác như hộ tống, liên lạc, tìm kiếm cứu hộ, ngăn chặn máy bay kẻ thù... Mạnh nhất là phi đội máy bay chiến đấu 24 chiếc F15i do Mỹ chế tạo có khả năng mang trọng tải nặng bao gồm bom GBU28 2.200kg, lade dẫn đường mua từ Mỹ. Loại bom phá hầm ngầm này sẽ là trung tâm của bất kỳ chiến dịch nào.
Thêm vào đó, Israel có bốn phi đội, tương đương với 100 máy bay chiến đấu F-16i. Những máy bay này hoạt động nhanh hơn trên không trung, có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất và khá lý tưởng khi đảm nhận nhiệm vụ hộ tống. Lực lượng không quân Israel còn phát triển các máy bay do thám không người lái tầm xa có thể cung cấp thông tin tình báo, liên lạc và các hỗ trợ khác.
Các chuyên gia tin rằng, một số máy bay chiến đấu của Israel thậm chí là cả F16 với các thùng nhiên liệu nâng cấp, không thể đáp ứng cho sứ mệnh tác chiến tầm xa nếu không tiếp dầu trong lộ trình bay. Israel, có tám máy bay tiếp dầu, có thể tiếp nhiên liệu trên không trong ít phút, nhưng chưa rõ là sứ mệnh này sẽ diễn ra ở đâu kể từ khi quá nhiều không phận trong khu vực là thù địch.
Có tiền lệ là máy bay chiến đấu Israel đã phá huỷ một lò phản ứng hạt nhân Iraq năm 1981, và làm điều tương tự với Syria năm 2007. Nhưng một chiến dịch ở Iran thì khó khăn hơn nhiều - phức tạp về khoảng cách, về khả năng phòng không mạnh mẽ của Iran và chiến lược bố trí cơ sở hạt nhân Iran ngầm sâu trong lòng đất.
Lực lượng không quân Israel đã
tiến hành nhiều hoạt động đào tạo tác chiến tầm xa có thể phục vụ cho sứ mệnh
tấn công Iran. Năm 2008, 100 máy bay đã tham gia tập trận ở Hy Lạp. Lực
lượng không quân gần đây cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập tương tự với cả Hy
Lạp và Italy.
Lộ trình tác chiến nào
Giả định xảy ra cuộc không kích, câu hỏi đặt ra là máy bay sẽ bay thế nào từ các căn cứ ở Israel để đánh trúng mục tiêu bên trong Iran? Họ có thể đi qua Ảrập Xêút hoặc Iraq, thậm chí có thể sử dụng không phận Jordan. Lộ trình một chiều là khoảng 1.931 km. Để bay qua Ảrập Xêút, máy bay chiến đấu Israel sẽ rời căn cứ ở phía nam nước này, tiến vào không phận Ảrập Xêút từ Aqaba hoặc Jordan ở vùng Vịnh, bay 1.287km trên bầu trời Ảrập Xêút tiến vào vùng Vịnh và sau đó là 483km để tới Iran.
Liệu lực lượng quốc phòng Ảrập Xêút có thể ngăn chặn Israel hay không là điều không ai dám chắc. Cũng có thể Ảrập Xêút sợ hãi chương trình hạt nhân Iran mà làm ngơ và đổ lỗi cho việc không hay biết gì. Nếu người Israel chọn cách bay ngang không phận Iran, máy bay chiến đấu sẽ xuất phát từ phía nam, bay 483km hoặc 644km trên không phận Ảrập Xêút hoặc cả không phận Ảrập Xêút và Jordan, rồi tiến vào không phận Iraq càng sớm càng tốt, tiếp tục bay 805km trên bầu trời Iraq tiến vào vùng Vịnh rồi tiếp cận mục tiêu sau đó.
Tiến vào Iran từ không phận Iraq lại mang tính nhạy cảm chính trị. Mặc dù quân đội Mỹ không còn ở đó, nhưng việc bay trên bầu trời Iraq sẽ không thể là điều không nhận biết được, và hầu như cần có sự chấp thuận của Mỹ.
Câu hỏi chính là liệu các máy bay ném bom của Israel có thể thực hiện nhiệm vụ mà không cần tiếp nhiên liệu hay không. Phỏng đoán tốt nhất về bán kính chiến đấu của F-15I và F-16I với bình chở nhiên liệu, vũ khí... là khoảng 1.609km. Một trong hai đường bay nêu trên dài khoảng 322km hoặc xa hơn. Để bù đắp thiếu hụt, máy bay có thể mang thêm bình chứa nhiên liệu ngoài, nhưng điều này đòi hỏi phải giảm bớt lượng vũ khí mang theo. Đây không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu máy bay bị phát hiện và ngăn chặn, phi công sẽ phải bỏ bình chứa để đối phó với đối thủ. Việc bỏ bình chứa sẽ khiến máy bay khó chạm tới mục tiêu.
Tiếp nhiên liệu trên không là một hạn chế với người Israel. Vài năm gần đây, Israel đã mua 5 máy bay C-130 và 4-7 máy bay tiếp nhiên liệu Boeing 707. Tuy nhiên, các máy bay này sẽ phải tiếp dầu ngay ở không phận đối phương. 707 là máy bay lớn không trang bị vũ khí và rất dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không.
Khả năng cuối cùng là bay qua Thổ Nhĩ Kỳ, như Israel từng làm một cách trái phép năm 2007 trong cuộc không kích Syria. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã nâng cấp hệ thống rađa kể từ đó và mối quan hệ của Israel với nước này đã xấu đi nhiều. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, các máy bay sẽ bị "bắn hạ" nếu Israel cố sử dụng không phận mà không được cho phép.
Một khi máy bay Israel tiếp cận Iran, thì họ sẽ vấp phải lưới lửa từ hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu Iran. Quan chức Israel thừa nhận xem xét nghiêm túc tới các mối đe doạ này nhưng tin là ưu thế hoả lực và công nghệ sẽ giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.
Thách thức lớn nhất với Israel có thể là hạn chế về hoả lực. Cơ sở làm giàu uranium chính của Iran tại Natanz được cho là nằm sâu dưới mặt đất 6 mét được các bức tường bê tông bảo vệ.
Iran đã đe doạ trả đũa và phát triển tên lửa Shahab hiện đại có khả năng tấn công nhà nước Do Thái. Họ cũng có thể kích động hành động từ Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở dải Gaza để sử dụng hàng chục nghìn rocket trong kho dự trữ của mình. Nhiều chuyên gia tin rằng, Iran sẽ đáp trả bằng cách tấn công các mục tiêu Mỹ ở vùng Vịnh cũng như các đồng minh của Mỹ vì ủng hộ cuộc tấn công của Israel.
Bất kỳ hành động đơn phương nào cũng thu hút sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Điều đó có nghĩa là một chiến dịch của Israel sẽ không thể kéo dài.
Thái An (theo AP)