Người từng giành giải Nobel Hoà bình, nghị sĩ vừa đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội ở Myanmar - Suu Kyi - đã chấp nhận các lời mời tới thăm Na Uy và Anh ở chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong suốt 24 năm.

Aung San Suu Kyi. Ảnh: EPA

Đảng của bà Aung San Suu Kyi cho biết, bà sẽ tới hai nước trên vào tháng 6. Kế hoạch công du của bà diễn ra vài tháng sau khi Myanmar tiến hành những cải cách bước ngoặt về kinh tế, xã hội và chính trị bao gồm cả cuộc bầu cử lịch sử ngày 1/4. Sự kiện này chứng kiến việc bà được bầu vào quốc hội sau gần năm thập niên dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.

Lịch trình của bà dự kiến có buổi thăm Oxford, nơi bà theo học đại học những năm 1970, một người phát ngôn của đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) nói. "Nhưng tôi không biết chính xác ngày giờ", Nyan Win nhấn mạnh ông cũng không biết bà sẽ thăm nước nào đầu tiên. Trước đó, Suu Kyi cho biết có thể là Na Uy.

Bà Aung San Suu Kyi, 66 tuổi, lần đầu tiên bị bắt giữ năm 1989 và phần lớn thời gian trong hai thập niên qua phải chịu các hình thức giam giữ, quản thúc khác nhau. Bà từ chối rời Myanmar trong những giai đoạn ngắn được tự do vì e ngại không được phép quay trở lại.

Bà đã giành một trong số 43 ghế mà các thành viên đảng của bà có được ở cuộc bầu cử quốc hội vừa qua tại Myanmar. Cuộc bầu cử diễn ra sau hàng loạt cải cách của Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng quân đội, kể cả quyết định thả tù chính trị và tạo điều kiện tự do hơn cho báo chí.

Aung San Suu Kyi đã được mời đến thăm Anh khi bà gặp Thủ tướng David Cameron ở Rangoon cuối tuần trước. Khi ấy, bà nói sẽ cân nhắc lời mời. Bà nhấn mạnh: "Hai năm trước đây, tôi sẽ nói rằng, cám ơn lời mời của ông nhưng thật đáng tiếc".

Tuần trước, Thủ tướng Anh đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới thăm Myanmar trong nhiều thập niên qua. Ông Cameron tuyên bố có sự thay đổi lớn trong quan điểm sau khi bà Suu Kyi giành được một vị trí trong quốc hội.

Thủ tướng Anh đã có cuộc gặp với Tổng thống - nhà cải cách của Myanmar Thein Sein. Ông Cameron kêu gọi tất cả các biện pháp của Liên minh châu Âu, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí, nên ngừng lại, dù không phải là loại bỏ hoàn toàn.

Anh có truyền thống giữ quan điểm cứng rắn về cấm vận với Myanmar vì những lo ngại nhân quyền và sự thay đổi của họ dường như sẽ “dọn đường” cho việc ngừng các biện pháp trừng phạt từ EU vào cuối tháng này. Một số nước EU đã dỡ bỏ ít nhiều hạn chế với Myanmar trong năm nay. Các ngoại trưởng 27 nước trong khối sẽ quyết định những bước đi tiếp theo khi gặp nhau vào 23/4 tới.

Hàng loạt quan chức ngoại giao cấp cao phương Tây, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Anh William Hague đã tới thăm Myanmar kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền từ năm ngoái.

Trong tháng 2, EU đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với 87 quan chức Myanmar gồm cả ông Thein Sein, nhưng vẫn giữ quyết định phong tỏa tài sản đối với họ. Một số biện pháp trừng phạt khác của EU là cấm vận vũ khí, cấm kinh doanh đá quý và phong tỏa tài sản của gần 500 người.

Thái An (theo Guardian, Financial Times)