Manila đã lên tiếng rằng, các tuyên bố chủ quyền rộng lớn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông rốt cuộc có thể đe dọa tự do hàng hải ở khu vực nhộn nhịp nhất thế giới, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây và châu Á tỏ rõ lập trường với bất kỳ mối đe dọa nào như vậy.

Ảnh: Telegraph

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, các tuyên bố lãnh thổ đầy tham vọng của Trung Quốc đã khiến Biển Đông thêm căng thẳng. Vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines về chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough đã bước sang ngày thứ 14. Hành động gây hấn của Trung Quốc ở bãi đá ngầm, bao gồm cả yêu cầu tàu Philippines rút lui và điều động máy bay ra vùng đụng độ - cho thấy họ có thể làm điều tương tự với những phần còn lại của Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên năng lượng mà Bắc Kinh đưa ra khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ.

Các tàu hải giám Trung Quốc đã yêu cầu một tàu phòng vệ bờ biển của Philippines rời khỏi bãi đá ngầm không có người ở nhưng giàu tài nguyên khi cho đó là vùng chủ quyền của Trung Quốc. Tàu Philippines từ chối vì khẳng định đó là lãnh thổ của Philippines.

Hãng Tân hoa xã ngày 23/4 dẫn lời một người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho hay, chỉ còn một tàu Trung Quốc ở lại khu vực trong khi hai tàu đã rút lui hôm chủ nhật. “Việc rút hai tàu chứng tỏ Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng như một số người nói, mà là muốn lắng dịu tình hình", người phát ngôn Trương Hoa nói. Vị này nhấn mạnh, Trung Quốc đã chuẩn bị giải quyết đụng độ thông qua "tham vấn ngoại giao hữu nghị".

Cho tới nay, cả Trung Quốc và Philippines vẫn chưa chấm dứt bế tắc xung quanh vụ việc trên.

Trung Quốc, Philippines và một số nước Đông Nam Á khác đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc khẳng định chủ quyền lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển kể cả những khu vực sát bờ biển nước khác. Hernandez nói với báo chí rằng, Trung Quốc giờ đây có thể gia tăng khẳng định chủ quyền của họ bởi những hành động tại Scarborough. “Động thái ấy thể hiện mối đe dọa tiềm năng tới tự do hàng hải cũng như thương mại không cản trở trong khu vực".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nói rằng, khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết mọi thứ ở Biển Đông, thì thông điệp là họ "có thể thiết lập các quy tắc cho bất kỳ ai". “Tôi nghĩ bế tắc hiện tại thể hiện mối đe dọa lớn hơn với rất nhiều quốc gia", ông trả lời mạng lưới truyền hình ABS-CBN trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin sẽ đề cập vụ việc ở bãi đá ngầm Scarborough khi họ gặp các đồng nhiệm Mỹ tại Washington tuần tới. Hernandez nói trong cuộc họp báo rằng, Mỹ quan tâm tới việc đảm bảo tự do hàng hải ở các vùng biển Đông Nam Á.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vĩ Dân đã nhắc lại chủ quyền mà Trung Quốc khẳng định với bãi đá ngầm và nhấn mạnh rằng, sự tham gia của những nước khác trong tranh chấp sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

Giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực, nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế hôm 23/4 đã đưa ra nghiên cứu cho hay, việc Trung Quốc triển khai thêm nhiều tàu hải giám và bán quân sự với nhiệm vụ khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chưa rõ ràng của Bắc Kinh đã làm gia tăng nguy cơ đối đầu ở Biển Đông. Theo nhóm này, một số tàu tuần tra Trung Quốc không biết rõ giới hạn của các khu vực mà họ cho là cần phải khẳng định chủ quyền.

Quan chức Philippines đã yêu cầu Trung Quốc mang chuyện tranh chấp ra phân xử trước LHQ - một quá trình đòi hỏi cả hai bên xác định rõ ràng các tuyên bố chủ quyền của mình. Nhưng quan chức Trung Quốc khăng khăng muốn thương thảo với từng bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Thái An (theo Washington Post)