Trung Quốc và Philippines khẳng định rằng, sẽ không làm cho cuộc đụng độ hàng hải kéo dài cả tuần này giữa hai bên trở nên căng thẳng hay leo thang hơn. Tuy nhiên, mỗi bên vẫn đang chờ đợi động thái của bên còn lại.

Philippines đã rút lui một tàu chiến và thay thế vào đó là tàu phòng vệ bờ biển để làm "lắng dịu tình hình" xung quanh khu vực bãi đá ngầm Scarborough thuộc ngoài khơi bờ biển tây bắc của nước này, Tổng thống Benigno Aquino III cho biết. Nhưng con tàu vẫn tiếp tục đối đầu trực diện với hai tàu hải giám Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Ảnh: egagah
Bãi đá ngầm hình móng ngựa là một trong số hàng trăm hòn đảo, bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu và khí, nguồn cá và có những tuyến vận chuyển quan trọng nhất thế giới. Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển, mặc dù Philippines và những nước khác cũng khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Căng thẳng đã gia tăng trong khu vực vài tháng nay, đặc biệt giữa Philippines và Trung Quốc.

Ông Aquino tuyên bố, nước ông sẽ khẳng định chủ quyền của họ nhưng không gây ra nguy cơ châm ngòi xung đột vũ trang. Người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc Trương Hoa ở Manila cho biết, mặc dù Trung Quốc và Philippines bất đồng về việc xác định ai sở hữu bãi đá ngầm nhưng "cả hai bên nhất trí không làm bất kỳ điều gì làm phức tạp hay trầm trọng thêm tình hình".

Một số cuộc hội đàm giữa hai bên đã diễn ra nhưng thất bại trong nỗ lực chấm dứt bế tắc. Vụ việc bắt đầu từ 10/4 khi hai tàu hải giám Trung Quốc đã cố ngăn chặn tàu chiến Philippines bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc. Philippines cho rằng, các ngư dân đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Khanh đến để trao công hàm phản đối sau khi các tàu và máy bay Trung Quốc bị nghi "quấy rối" một tàu Philippines. Hãng tin Kyodo dẫn lời phát ngôn viên Philippines Raul Hernandez nói, máy bay Trung Quốc đã bị tàu tuần duyên Philippines đang tuần tra trong khu vực phát hiện vào chiều 15/4.

Ông cho biết đây đã là lần thứ hai máy bay Trung Quốc bay trên khu vực bãi đá ngầm Scarborough mà cả Trung Quốc lẫn Philippines đều tuyên bố chủ quyền kể từ ngày 14/4. Ông nêu rõ: "Những hành động như vậy đã vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trong việc tiến hành nghiên cứu biển tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines... Philippines yêu cầu các tàu và máy bay Trung Quốc dừng việc quấy rối và các chuyến bay phía trên (tàu Philippines) để tàu này và thủy thủ đoàn có thể hoàn thành công việc. Mọi mưu toan hành động của các tàu hay máy bay Trung Quốc nhằm vào (tàu Philippines) sẽ được Philippines xem là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc gia và quốc tế".

Trong khi đó, người phát ngôn họ Trương nói rằng, con tàu nghiên cứu đã vi phạm các quyền của Trung Quốc và "vi phạm những công ước quốc tế liên quan".

Bế tắc trong vụ đụng độ hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt khi gần 7.000 lính Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung hàng năm từ hôm qua bao gồm cả các hoạt động diễn tập chiến đấu ở gần vùng biển tranh chấp.

Trung Quốc, một cường quốc quân sự khu vực, đã dính líu vào nhiều cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông với Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Tranh chấp đã bùng lên trong vài tháng gần đây khi mọi chú ý bắt đầu tập trung vào trữ lượng dầu khí dồi dào được cho là nằm sâu dưới vùng biển.

Trong các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc là nước khẳng định chủ quyền lớn nhất, thậm chí với cả những vùng biển ngay cạnh bờ biển của các nước khác. Cạnh tranh trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông từ lâu được xem là một trong những điểm nóng của châu Á có nguy cơ châm ngòi cho xung đột quân sự.

Thái An (tổng hợp)