- Một trong những "vấn đề quan trọng" Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét tại kỳ họp khai mạc tuần tới là nhân sự, cụ thể liên quan trường hợp ĐBQH tỉnh Long An Đặng Thị Hoàng Yến.

Tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII chiều nay (17/5), Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, việc xem xét dựa trên đề nghị của Thường vụ Quốc hội sau phiên họp kín tháng trước. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét việc "bãi nhiệm" tư cách ĐBQH của bà Yến theo yêu cầu của Thường vụ Quốc hội.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ảnh: Minh Thăng

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay bà Yến có khuyết điểm là không trung thực trong kê khai hồ sơ đại biểu, không kê khai tư cách đảng viên cũng như những vấn đề liên quan tình trạng hôn nhân với ông Jimmy Trần, người đang bị cơ quan công an truy nã quốc tế.

Liên quan việc bà Yến gửi đơn xin từ nhiệm đến Quốc hội, ông Hạnh Phúc nói đơn này không được chấp thuận do không đúng theo quy định của pháp luật. Điều 57 luật Tổ chức Quốc hội quy định ĐBQH chỉ có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.

Với trường hợp đại biểu có thiếu sót thì phải thực hiện theo quy trình tại điều 56. Theo đó, đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm sẽ bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Với trường hợp cụ thể của bà Hoàng Yến, Chủ nhiệm VPQH cho biết Quốc hội sẽ xem xét việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà.

Khẳng định Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này trên tinh thần khách quan, dân chủ, ông cũng cho hay, nếu việc bỏ phiếu đề nghị xem xét tư cách của bà Hoàng Yến không đạt quá bán thì theo luật định sẽ không có giá trị.

Nhưng bà Hoàng Yến sẽ bị bãi nhiệm nếu có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Trước đó, thông báo với báo chí, phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho hay một trong 10 vấn đề quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này là nhân sự. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Thường vụ Quốc hội về tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An với trình tự, thủ tục xem xét sẽ được tiến hành theo các quy định của pháp luật.

Các phóng viên trong nước và nước ngoài dự họp báo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Kéo dài một tháng, từ 21/5 đến 21/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét, thông qua một khối lượng lớn các dự án luật: 13 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật. Trong số các luật được xem xét thông qua có luật Biển Việt Nam, luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động (sửa đổi), luật Phòng, chống rửa tiền....

Quốc hội dự kiến thông qua Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét nhóm 10 vấn đề quan trọng. Trong đó có báo cáo của Thường vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xem xét đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế...

Theo nghị trình, phiên chất vấn của kỳ họp sẽ diễn ra như thông lệ. Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để đại biểu đối thoại, chất vấn trực tiếp các bộ trưởng, làm rõ các vấn đề quan tâm.

Linh Thư