Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nói rằng, việc Mỹ không phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) đã làm suy yếu sự ủng hộ của nước này với các đồng minh trong cuộc tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc lại ‘đe’ Philippines
Mỹ đứng đâu trong cuộc đối đầu TQ-Philippines?
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: yamansalahi |
Bà Clinton nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở những vùng nước thuộc Biển Đông vượt quá những gì mà UNCLOS quy định. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đưa ra tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm qua - nơi bà Clinton và các quan chức quân sự hàng đầu đã thúc giục Mỹ cần gia nhập công ước.
Kể từ năm 2010, chính quyền Obama đã khẳng định mạnh mẽ rằng, mặc dù Mỹ không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng họ có lợi ích quốc gia trong việc thực thi một giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, và đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển có vai trò cực kỳ quan trọng với thương mại toàn cầu.
Bà Clinton tuyên bố, Mỹ ủng hộ các nước "bị đe dọa" bởi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
"Vì là một bên không có tranh chấp nên chúng ta phải để cho Trung Quốc ở cửa trên về mặt pháp lý. Chúng ta bị đặt vào thế chống đỡ. Chúng ta không đủ mạnh để bênh vực cho các bạn bè và đồng minh của chúng ta trong khu vực như điều mà tôi mong muốn,” bà nói. “Tôi không nghĩ rằng đó là tình thế mà một cường quốc hải quân ưu việt toàn cầu như chúng ta trông đợi”.
Trung Quốc là một trong hơn 16 quốc gia tham gia UNCLOS. Nước này đã không ngừng mở rộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bất chấp sự chồng lấn chủ quyền với một số quốc gia khác, trong đó có Philippines - đồng minh hiệp ước của Mỹ.
Công ước được ký kết vào năm 1982 và có hiệu lực năm 1994. Trong nhiều năm liền, Mỹ không thể phê chuẩn công ước này do vấp phải sự phản đối từ phía đảng Cộng hòa mặc dù quân đội khẳng định vẫn hành động trong khuôn khổ các nguyên tắc của công ước. Công ước đã hai lần bị chặn lại ở Ủy ban đối ngoại của Thượng viện và chưa bao giờ được đưa ra bỏ phiếu ở toàn thể Thượng viện Mỹ. Những người phản đối Công ước cho biết họ quan ngại nếu Mỹ phê chuẩn thì họ sẽ đặt chủ quyền của mình vào tay một tổ chức quốc tế có quyền lực thu lệ phí đối với các hoạt động khai thác dầu và khoáng sản.
Phe ủng hộ UNCLOS thì cho rằng, lợi ích của việc phê chuẩn vượt xa những thiệt hại. Họ cũng liệt kê sự ủng hộ của rất nhiều nhóm khác nhau như Phòng Thương mại, tổ chức Hòa bình xanh, các công ty dầu khí, các quan chức quân sự hàng đầu cũng như các chính quyền Mỹ gần đây của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Mặc dù có sự vận động đáng kể từ cả hai đảng ở Mỹ cho công ước và sự hậu thuẫn của các nhóm ủng hộ doanh nghiệp, nhưng Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện John Kerry thừa nhận có những khó khăn để thúc đẩy công ước, nhất là trong năm bầu cử.
Theo Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Ủy ban tham mưu liên quân Mỹ̀, việc Mỹ phê chuẩn công ước này sẽ giúp củng cố các lợi ích an ninh của họ vì nó xác định rõ đâu là quyền hàng hải cũng như đâu là các khu vực hàng hải vào thời điểm các nước đang tăng cường tranh giành tài nguyên. “Từ sự xác định rõ ràng đó sẽ dẫn đến ổn định, và khi giờ đây chúng đã bắt đầu tái cân bằng những lợi ích an ninh của chúng ta ở Thái Bình Dương, việc phê chuẩn công ước là rất quan trọng”, ông phát biểu trước Thượng viện.
Trong phiên điều trần, Thượng nghị sỹ Dân chủ Barbara Boxer đã chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà đưa ra một bản đồ cho thấy tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh vượt xa vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý hay 320km theo quy định của UNCLOS. Bà cho rằng, tuyên bố ấy là "sự xâm chiếm lãnh thổ đáng kể" và "nó đến rất gần bờ biển của các quốc gia trong khu vực".
Thượng nghị sỹ này cũng nhắc đến cuộc đụng độ ở bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines từ tháng trước tới nay tiếp tục bế tắc khi hải quân Philippines cáo buộc ngư dân Trung Quốc "đánh bắt trái phép" trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Thái An (theo AP, BBC)