Trung Quốc bóng gió cách nhìn nhận của họ khi coi quần đảo tranh chấp Senkaku là một trong "các lợi ích cốt lõi", theo một nghị sĩ cấp cao của Nhật - người mới có cuộc gặp với quan chức cấp cao Trung Quốc.
Đối mặt với TQ, Nhật tăng cường phòng thủ đảo
Chiến đấu cơ Nhật hàng trăm lần xuất kích chặn máy bay TQ
Ảnh: marsecreview |
Dĩ nhiên, chưa rõ đây có phải là quan điểm chính thức của Bắc Kinh hay không.
Trung Quốc hay sử dụng cụm từ ngoại giao này để đề cập tới những phần lãnh thổ mà họ có kế hoạch giữ vững hay cuối cùng sẽ giành lại như Tây Tạng, Tân Cương, khu vực tranh chấp Biển Đông và Đài Loan.
Theo Satsuki Eda, một cố vấn cấp cao của đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản thì, ông Wang Jiarui - phụ trách ban Quốc tế của đảng Cộng sản Trung Quốc đã mô tả quần đảo đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật là một lợi ích cốt lõi trong cuộc hội đàm hai bên tại Bắc Kinh hôm thứ ba.
"Với Trung Quốc, cả Điếu Ngư hay khu vực Tân Cương đều là các lợi ích cốt lõi", Eda - nguyên chủ tịch thượng viện Nhật dẫn lời ông Wang đã nói trong cuộc gặp. Bắc Kinh gọi quần đảo không có người ở nhưng rất giàu tiềm năng tài nguyên ở biển Hoa Đông là Điếu Ngư.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura đã cố giảm nhẹ bình luận của Wang. Ông này nói trong một cuộc họp báo hôm thứ tư rằng, chính phủ Nhật tin đây là cách nhìn cá nhân - hơn là quan điểm chính thức của Trung Quốc.
Các chuyên gia tại Nhật cũng nói rằng, chưa rõ ràng về mức độ Trung Quốc coi quần đảo tranh chấp là một lợi ích cốt lõi cho dù có các bình luận của ông Wang.
Tại cuộc gặp, ông Wang còn cảnh báo Eda rằng, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara có kế hoạch mua lại ba trong số năm đảo thuộc quần đảo Senkaku từ một cá nhân.
Nhưng ông Eda nhấn mạnh, ông Wang nhất trí rằng, những tranh cãi chủ quyền kéo dài và gần đây trở nên căng thẳng hơn không nên phát triển thành các vấn đề tranh chấp song phương lớn. Ông Eda cho biết, trong khi cả ông và quan chức Trung Quốc thừa nhận một số vấn đề tiếp tục khiến quan hệ song phương căng thẳng, thì chuyện duy trì mối quan hệ hữu nghị là ưu tiên hơn.
Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh gần đây trở nên căng thẳng hơn bởi đề xuất mua đảo ở khu vực tranh chấp hai bên mà ông Ishihara đưa ra. Theo Kyodo News, ông Ishihara dự tính sẽ sử dụng ngân sách của thành phố để mua lại các đảo hiện thuộc sở hữu một công dân Nhật. Kiểm soát khu vực này tại biển Hoa Đông đồng nghĩa với việc kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt dưới đáy biển. Thị trưởng Tokyo còn chỉ trích Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda khi cho rằng ông Noda không đủ cứng rắn với Bắc Kinh xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ và thể hiện sự nhân nhượng có thể khuyến khích Trung Quốc dùng vũ lực với các đảo tranh chấp.
Mới đây, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã ra báo cáo trong đó cảnh báo về mối đe dọa từ sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc ở Senkaku. Bản thân Thủ tướng Noda trong cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm 13/5 đã yêu cầu Trung Quốc kiềm chế bởi sự gia tăng hoạt động tại vùng biển tranh chấp đang khiến người dân Nhật Bản bất bình.
Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền.
Thái An (theo Japantimes)