Quan chức quân sự Philippines lo lắng các lực lượng Trung Quốc có thể đặt cột mốc hoặc xây dựng trên bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough. Ảnh: wordpress

“Một ngày nào đó, khi thức dậy, chúng tôi sẽ nhìn thấy các cột mốc hay công trình xây dựng nhỏ được đặt ở bên trong hay ngoài đầm phá tại bãi cạn để khẳng định yêu sách chủ quyền của họ", một quan chức quân sự Philippines nói. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của họ. Chúng tôi có hai tàu ở đây nhưng không thể phát hiện ra tất cả hoạt động của họ vào ban đêm".

Philippines cho hay, tính tới sáng thứ tư, có 7 tàu lớn và 8 tàu cá Trung Quốc ở gần bãi cạn. “Bảy tàu là tàu buôn, tàu ngư chính và hải giám cùng các tàu cá", một quan chức quân sự Philippines cho biết. “Giờ đây Trung Quốc có 15 tàu ở bãi cạn”. Trong các tuần trước, Manila đã phàn nàn về việc Trung Quốc điều hơn 90 tàu ra bãi cạn tranh chấp.

Phía Philippines chỉ có hai tàu ở đây, một tàu phòng vệ bờ biển và một tàu của Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên nước.

Vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu từ 10/4 khi tàu Trung Quốc ngăn chặn tàu chiến Philippines không cho bắt giữ các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt trái phép ở bãi cạn. Kể từ đó, Trung Quốc đã điều nhiều tàu hơn tới đây để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình. Với bãi cạn Scarborough, Philippines khẳng định nó thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế được luật pháp quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đưa ra chủ quyền với bãi cạn này cho dù nó cách rất xa điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin dự kiến sẽ công bố chi tiết hơn về cuộc gặp của ông với người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Campuchia.

Ông Lương hôm qua đã thúc giục Philippines "thận trọng trong lời nói và hành động" trong vấn đề này và tiến hành những bước đi thực tế hướng tới hòa bình và ổn định khu vực.

Một quan chức hải quân Philippines cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng vụ việc tại bãi cạn Scarborough như một phép thử cho các yêu sách chủ quyền lớn ơn của họ với hầu như toàn bộ Biển Đông. “Nếu họ thành công tại bãi cạn Panatag (Scarborough) thì sau đó họ có đủ lý do để khẳng định chủ quyền với Recto (Reed) Bank, đó là mục tiêu chính của họ", vị quan chức nói. “Phía dưới các vỉa đá có rất nhiều dầu".

Trong bối cảnh một khu vực châu Á - Thái Bình Dương bất ổn bởi những căng thẳng nổi lên quanh vấn đề cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã bắt đầu chuyến công du châu Á. Ông sẽ tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La, sau đó có hai ngày công du Việt Nam và Ấn Độ.

Trước động thái của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đã thúc giục Washington tôn trọng các lợi ích của họ ở châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến thăm của ông Panetta diễn ra sau khi Tổng thống Obama tuyên bố chiến lược mới "xoay trục" hướng về châu Á và đúng vào bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang xung quanh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Khi được hỏi về chuyến công du này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ "đóng vai trò tích cực và xây dựng trong khu vực". Ông Lưu nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng các lợi ích và những mối quan tâm của Trung Quốc trong khu vực".

Trung Quốc và một số nước châu Á có tranh chấp chủ quyền với các đảo ở Biển Đông - vùng biển được cho là giàu tài nguyên năng lượng và sở hữu các tuyến đường biển sống còn với thương mại toàn cầu.

Thái An (theo manilastandardtoday, channelnewsasia)