- Cho ý kiến tại tổ về dự thảo luật Xuất bản (sửa đổi), các ĐBQH đều băn khoăn liệu luật ra đời có khắc phục được nạn in lậu đang tràn ngập trên thị trường sách.







Tại tổ Hà Nội, nơi có đầy đủ "nguyên đơn - bị đơn" của dự thảo luật (Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi - đại diện cơ quan thẩm tra và Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son - đại diện cơ quan soạn thảo] như ĐB Bùi Thị An ví von, Bộ trưởng Son dành gần 1 tiếng đồng hồ giải trình lại các vấn đề của dự thảo luật, không khác mấy so với tờ trình đã đọc trước QH cách đây mấy ngày.

Sách lậu có bí mật đâu mà không xử lý nổi

ĐB Trần Thị Quốc Khánh thấy trong đánh giá 6 năm thực hiện luật Xuất bản chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng dự thảo luật sửa đổi lại không đề cập gì đến việc khắc phục những khó khăn này.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: LAD.

Bà Khánh chỉ ra đó là tình trạng in lậu, nối bản tràn lan, các ấn phẩm kích động bạo lực, đồi trụy, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục… vẫn ra lò thiếu kiểm soát...

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo chỉ ra tình trạng in lậu, nối bản (phát hành nhiều hơn số lượng công bố, thậm chí bán số phát hành thêm trước cả số chính thức) đang ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các tác giả và các đơn vị làm sách.

"Sách lậu, làm nhái, làm giả bán đầy ngoài đường, trên vỉa hè, phải bổ sung những chế tài thanh tra, kiểm tra, xử phạt cả nhà xuất bản, nhà in và người bán", ông Thảo nói.

Bà Bùi Thị An đề nghị cơ quan soạn thảo "thấy cần chế tài gì để chống được in lậu, xuất bản lậu thì cho Quốc hội biết để xem xét tạo điều kiện", chứ đừng để luật ra mà tình trạng vẫn y nguyên.

Ông Đào Trọng Thi cho rằng muốn quản lý chặt hơn hoạt động xuất bản thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. "Đây là mảng còn yếu của ta", ông Thi nói. "Trong khi vi phạm hiển hiện ngay trước mắt, các nhà in in lậu, các nhà sách bán sách lậu công khai, tràn lan, họ đâu có làm bí mật đến nỗi không biết mà xử lý".

Cùng chung nhận định "luật không phải cây đũa thần để xử lý mọi vấn đề về xuất bản, khâu thực hiện mới đáng ngại", ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) chỉ ra "con số phát hoảng": 1.500 cơ sở in mà chỉ trong tầm tay quản lý 400 cơ sở. "Chứng tỏ việc quản lý rất lỏng lẻo", ông Quân nói.

Lo ngại chất lượng sách trên thị trường, các ĐB cũng không yên tâm với quy hoạch các nhà xuất bản. "Vì sao đất nước ta mấy năm nay không có những tác phẩm tầm cỡ, trách nhiệm của ai, trong quy hoạch các nhà xuất bản có đặt vấn đề họ phải tìm kiếm cho được những tác phẩm để đời không?", bà Bùi Thị An đặt câu hỏi.

Thực lực của các nhà xuất bản thể hiện rõ nhất qua việc liên kết xuất bản. Tuy thể hiện tính chất xã hội hoá ngày càng cao, nhưng "nhiều nhà xuất bản chỉ có tiếng mà không có thực lực, để các đối tác chi phối, dẫn đến không ít vi phạm gây bức xúc mà chưa có chế tài xử lý" như bà Quốc Khánh nêu.

Bà Khánh thấy luật cần quy định rõ trách nhiệm liên đới trong việc liên kết xuất bản.

ĐB Châu Thị Thu Nga cùng đoàn còn lưu ý cơ quan soạn thảo về việc luật có quy định cấp phép cho các nhà xuất bản, nhà in, cơ sở phát hành nhưng lại thiếu quy định về giải thể, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở này khi có sai phạm nghiêm trọng.

Theo các ĐB, có nhiều điều khoản có thể được quy định cụ thể ngay trong luật mà không cần chờ nghị định.

  • Chung Hoàng - Phương Loan