- Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường, đồng thời phải có tiêu chí rõ ràng để tránh bỏ phiếu hình thức, cảm tính.

Sáng 4/6, các đại biểu thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Không dễ truy trách nhiệm cá nhân

Theo bà Lê Thị Nga, pháp luật hiện hành chưa quy định dựa vào tiêu chí nào để đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh. Điều này đồng nghĩa với việc chức danh bị kiến nghị bỏ phiếu cũng không biết được theo pháp luật khi nào, vì sao mình bị kiến nghị bỏ phiếu.

Vì không quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng nên cùng một sự kiện xảy ra đại biểu này thấy cần phải đề nghị bỏ phiếu nhưng đại biểu khác lại thấy không cần, và rất khó thu thập kiến nghị của đại biểu vào cùng một thời điểm.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: Bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng chưa bao giờ được thực hiện, thực chất đây là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Mặt khác, người bị kiến nghị bỏ phiếu sẽ khó tâm phục, khẩu phục vì dễ cho rằng người kiến nghị đã dựa trên đánh giá chủ quan. Việc quy định cụ thể các tiêu chí này còn có ý nghĩa giúp cho người thuộc diện có thể bị bỏ phiếu biết được giới hạn cần phải phấn đấu trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình để tránh việc bị bỏ phiếu.

Về căn cứ phải có ít nhất 20% đại biểu, tức khoảng 100 người đề nghị là rất khó xảy ra vì hiếm khi cùng một thời điểm có tới 100 đại biểu cùng kiến nghị trùng hợp. Pháp luật hiện hành cũng không cho phép đại biểu đứng ra vận động các đại biểu khác làm việc này.

Cũng tương tự như vậy đối với quy định Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà không xuất phát từ kết quả giám sát. Luật tổ chức Quốc hội cũng chưa quy định dựa trên những tiêu chí nào để Thường vụ tự mình đề nghị.

Về căn cứ qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội phát hiện người đó có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Để chứng minh được vi phạm này của một vị bộ trưởng hay trưởng ngành trở lên, theo Phó chủ nhiệm UB Tư pháp, phương thức và bộ máy giám sát hiện hành của Quốc hội khó có thể kết luận được.

Ngay cả khi có thiệt hại nghiêm trọng cũng không dễ quy được trách nhiệm cá nhân, nhất là trong tình hình hiện nay, khi các quyết định quan trọng đều mang danh đã xin ý kiến ban cán sự, ý kiến tập thể trước khi cá nhân quyết định.

Về quy trình, quy trình hiện hành thiếu quy định về người đứng ra tổ chức thu thập kiến nghị của đại biểu, đáng lưu ý là trong trường hợp Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thì phải qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định như điều 21, điều 50 Luật tổ chức Quốc hội.

Trong khi căn cứ để cơ quan này trình Quốc hội, đặc biệt là căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ chối trình Quốc hội lại không được quy định rõ.

"Như vậy thì kể cả các quy định trước đó có tính khả thi thì về mặt lý thuyết cũng có thể bị quy định này vô hiệu hóa" - bà Nga phân tích.

Tránh hình thức, cảm tính

Đại biểu Lê Thị Nga cho hay một vấn đề rất quan trọng mang tính nguyên tắc là trong điều kiện Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú ra ứng cử các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các chức danh này đều được các tổ chức có thẩm quyền của Đảng theo dõi, quản lý chặt chẽ.

"Rõ ràng ý kiến của các tổ chức có thẩm quyền của Đảng đối với vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm là rất quan trọng, nếu không xây dựng những văn bản rõ ràng về quy trình phối hợp giữa đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong vấn đề này thì quy định về bỏ phiếu tín nhiệm khó có thể thực hiện được trên thực tế" - bà nói.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Bà Nga cho rằng phải xây dựng những căn cứ và tiêu chí rõ ràng dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chức danh theo quy định của pháp luật, dựa trên việc xác định rõ ràng trách nhiệm theo pháp luật khi có sự kiện xảy ra.

"Căn cứ tiêu chí rõ ràng thì mới đảm bảo vừa tránh được xu hướng bỏ phiếu hình thức, bỏ phiếu cảm tính, vừa tránh được việc làm cho người đứng đầu không dám triển khai các biện pháp quản lý ngành, lĩnh vực một cách quyết liệt, nhất là những giải pháp đụng đến lợi ích của các nhóm dân cư" - bà nhận xét. Điều này đồng thời cũng giúp tránh được xu hướng vì sợ ảnh hưởng đến số phiếu nên người đứng đầu chọn phương án an toàn, tránh đương đầu với những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội, vì thế không bảo vệ được quyền lợi của số đông người dân.

Theo đại biểu, trong điều kiện Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, rất cần có quy chế phối hợp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đảng đoàn Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm.

"Chúng tôi tin tưởng rằng bằng những văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục phối hợp giữa đảng đoàn Quốc hội và các tổ chức có thẩm quyền của Đảng trong việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ vừa thực hiện được việc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ theo đúng nguyên tắc và điều lệ Đảng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định".

              Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bất thường

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần có 2 hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường.

Bỏ phiếu định kỳ sẽ giúp cho người đứng đầu năng động hơn, cũng giúp tránh được mặc cảm bị bỏ phiếu vì đây là một hoạt động định kỳ được tiến hành đối với nhiều người.

Để có căn cứ cho việc bỏ phiếu được chính xác, trước khi Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người được giới thiệu cần có chương trình hành động.

Kết quả bỏ phiếu phải được công khai trước Quốc hội.

Bỏ nhiệm tín nhiệm bất thường tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm được tiến hành khi có sự kiện xảy ra liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của chức danh khiến cho dư luận cử tri bức xúc.

Linh Thư

Bỏ phiếu tín nhiệm khi dư luận ‘trào sôi’
Trọng tâm buổi thảo luận tổ về đề án đổi mới hoạt động QH chiều nay (28/5) là đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm: Làm theo phong trào thì vô ích
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói, muốn thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm một cách thực chất thì phải chuẩn bị chu đáo.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm sẽ công khai
UBTVQH được giao xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm: Cần được 'bật đèn xanh'
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, “bật đèn xanh” sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực tiễn một cách thực chất.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm phải minh bạch
Theo đại biểu QH kỳ cựu Dương Trung Quốc, việc lấy ý kiến tín nhiệm hàng năm với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn phải càng công khai càng tốt.