Cơ quan tình báo quân sự Trung Quốc cảnh báo Australia về những rủi ro xung quanh việc vừa thúc đẩy quan hệ quân sự với Mỹ, trong khi vẫn duy trì ràng buộc kinh tế với Trung Quốc.


Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith đến thăm đến Trung Quốc. Ảnh: theaustralia

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith đang có chuyến thăm đến Trung Quốc. Ông phải đối mặt với những cáo buộc từ giới quân sự đầy hoài nghi ở Bắc Kinh rằng, Australia đang “đặt hai chân lên hai con thuyền khác nhau''.

Sự đối lập giữa nhu cầu kinh tế của Australia với mối lo ngại an ninh sẽ là tâm điểm chuyến thăm của ông Smith khi ông đáp máy bay tới tổng hành dinh Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc ở Trạm Giang.

Trạm Giang là trung tâm chỉ huy hải quân chính của Trung Quốc điều hành đội tàu có dính líu tới những vụ tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác ở Biển Đông. Chuyến thăm của bộ trưởng Australia diễn ra trong bối cảnh Mỹ "tái cân bằng" lực lượng hải quân ở khu vực. Thành phố này cũng là điểm đến xuất khẩu của hàng chục triệu tấn quặng sắt của Australia sau khi tập đoàn Baosteel hồi tháng trước được phê duyệt xây dựng nhà máy cán thép khổng lồ tại đây.

Ông Smith là bộ trưởng quốc phòng Australia đầu tiên tới thăm Trung Quốc kể từ 2007. Khi đặt chân tới Trung Quốc, ông đã nhận được hàng loạt câu hỏi từ các sĩ quan tình báo nghỉ hưu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc. Tướng Hoàng Bách Phục, nguyên giám đốc tình báo quân đội nói với ông Smith, không hiểu vì sao Australia lại thay đổi chính sách, để quyết định ủng hộ kế hoạch triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tới miền bắc Australia.

Về phần mình, bộ trưởng Smith khẳng định, vẫn có thể vừa duy trì quan hệ quân sự với Mỹ, vừa đào sâu quan hệ trong đó có hợp tác quân sự với Trung Quốc. Ông bác bỏ quan điểm rằng, Australia có một "liên minh kiểu Chiến tranh lạnh" với Mỹ hoặc làm việc với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

'Các câu hỏi có thể tiếp tục xuất hiện nhưng việc phân tích và câu trả lời chính xác vẫn giống nhau", ông Smith nói với báo giới Trung Quốc. "Tôi không tin có thể kiềm chế một đất nước 1,3 tỉ dân cho dù là với Trung Quốc hay Ấn Độ".

Tại Đối thoại Shang-ri La (Singapore), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố về chiến lược mới trong đó khẳng định Washington sẽ dần dần dịch chuyển đội tàu hải quân để tới năm 2020 có 60% tàu ở Thái Bình Dương (hiện tại là 50%). Quyết định triển khai thêm các tàu tới Thái Bình Dương cùng với việc mở rộng các đối tác quân sự trong khu vực là một phần nỗ lực "được cân nhắc kỹ càng và kiên quyết" nhằm tăng cường vai trò của Mỹ tại một khu vực được coi là tối quan trọng với tương lai Mỹ, ông Panetta cho biết.

Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith đã hoan nghênh kế hoạch của Mỹ và nói, nó không ảnh hưởng tới quan hệ của Canberra với Trung Quốc. Australia sẽ chứng kiến 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai tới khu vực phía bắc nước này trong một phần chiến lược châu Á mà Washington công bố từ đầu năm. Động thái này đã vấp phải phản ứng của Trung Quốc nhưng ông Smith khẳng định, Canberra muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với nước khổng lồ châu Á

Thái An (theo theage)