- Mổ xẻ về đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế sáng nay (8/6), hầu hết các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn về nguồn lực tài chính nào để thực hiện quá trình này.


Cần bao nhiêu tiền?

Câu hỏi căn cơ này được nhiều ĐBQH đặt ra khi mà bản thảo đề án của Chính phủ không nhắc đến.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, TP.HCM tính toán: chí ít tái cơ cấu sẽ cần tới 3 khoản: khoản ưu đãi, miễn giảm thuế, phí…, kích thích kinh tế, khoản Nhà nước bỏ ra cho xã hội hỗ trợ vào tái cơ cấu như mua bán nợ xấu ngân hàng, mua bán DN, ở đây chưa rõ Nhà nước sẽ bỏ tiền hay tự DN làm? Khoản chi phí thứ ba là an sinh xã hội, phát sinh từ việc thu hẹp một số ngành, dẫn tới mất việc, dôi dư lao động trong quá trình tái cơ cấu ngành.

Ngoài ra, tổng kinh phí xã hội cần được tính như thế nào? Ngoài nguồn lực ngân sách, ta phải lượng giá chi phí bỏ ra quá trình này?

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa


ĐB Phạm Trọng Nhân, tỉnh Bình Dương cũng đồng tình cho biết, phần quan trọng chưa thấy đề cập là nguồn lực, kinh phí. Khu vực kinh tế khu công nghiệp đã làm, đã có tỷ lệ lấp đầy lớn nhưng nếu không phù hợp, phải bỏ thì sẽ lãng phí nguồn lực này ra sao?

Nối tiếp mạnh băn khoăn đó, ĐB Trần Quốc Tuấn, Trà Vinh cũng nêu: Nhà nước sẽ có công ty mua bán nợ, vậy Nhà nước sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu tiền để mua lại nợ xấu của các ngân hàng? Nguồn tiền lấy từ đâu, huy động thế nào? Khi tái cơ cấu đầu tư công, sẽ kiên quyết loại bỏ các dự án không hiệu quả? Ta sẽ phải mất bao nhiêu tiền ở dự án dở dang đó, giải quyết việc làm cho người lao động ra sao?

Gay gắt nói về vấn đề này, ĐB Trần Văn, tỉnh Cà Mau cho rằng, đề án nói chi phí tái cơ cấu sẽ chủ yếu là từ DN, hộ gia đình thực hiện, từ ngân sách là phát sinh. Cách đặt vấn đề này chưa thuyết phục. Bởi lẽ, dù Nhà nước không làm thay DN, nhưng các nguồn lực trong khu vực DN, dân cư phân bổ ra sao đã có một quá trình vận động đang được thực hiện, giờ nếu thay đổi , cần được tính toán, bố trí, dự kiến lại phù hợp với bố trị nguồn lực ngân sách.

Ông Văn tiếp: “Cơ quan chủ trì đề án nói tái cơ cấu sẽ cải thiện an sinh xã hội, không làm phát sinh chi phí an sinh xã hội. Nhưng tôi xin nhấn mạnh, một cỗ máy sau khi dỡ ra, cần một thời gian để lắp ráp lại. Khi tái cơ cấu, có thể có lúc kinh tế suy giảm, thu hẹp ngành nghề, sẽ phải phát sinh các chi phí an sinh xã hội”.

“Tôi đề nghị phải trình Quốc hội gói chi phí này bao nhiêu, mỗi năm dùng thế nào, ảnh hưởng ngân sách trung ương và địa phương như thế nào”, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.

Lộ trình thoái vốn của tập đoàn

Tái cơ cấu DNNN có trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng phần này chưa thỏa mãn các ĐBQH. ĐB Trương Văn Vở, Đồng Nai bức xúc: “Phải xác định lộ trình thoái vốn cụ thể của các tập đoàn. Đề nghị giao bộ ngành giải trình làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong kỳ họp này, sai phạm sử dụng vốn như PVN, Vinalines, phải báo cáo quá trình thoái vốn của 21 tập đoàn, tổng công ty cụ thể”.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân, Khánh Hòa đặt liên tục các câu hỏi nóng: Vấn đề bảo toàn, sử dụng vốn trong DNNN đang như thế nào, khi tái cơ cấu thì làm sao để vốn Nhà nước hiệu quả? DNNN có còn đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hay không? Nhiều ĐB rất phân vân, lo lắng về tình trạng làm ăn của tập đoàn nhà nước.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân


“Cách phân 4 nhóm DN hiện vẫn còn bóng dáng bao cấp. Đọc đề án chúng tôi rất phân vân, đã là kinh tế thị trường thì yếu tố thị trường của DNNN phải bình đẳng như các DN khác. Đó là một thiếu sót nên các DNNN ỷ lại. Nếu không phát huy tốt vai trò của chủ sở hữu nhà nước tại đây thì vốn nhà nước mất dần”, ông nói.

“Tái cơ cấu DNNN cũng mất nhiều năm, giải quyết nợ nần… Tất cả sẽ kéo theo chi phí khổng lồ. Bộ trưởng Tài chính nói các tập đoàn, DNNN có 40% vốn chủ sở hữu. Thử hỏi sau tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản DNNN, thì vốn chủ sở nhà nước sẽ còn được bao nhiêu?”, ĐB Trần Văn, Cà Mau lo lắng.

Cần định lượng hiệu quả tái cơ cấu

Một câu hỏi được đặt ra là hiệu quả của tái cơ cấu kinh tế sẽ được đánh giá ra sao khi mà các tiêu chí đánh giá lại không rõ ràng, định tính nhiều hơn định lượng.

ĐB Phạm Trọng Nhân bày tỏ, nếu chuyển mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu mà vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 7-7,5% 5 năm tới thì rất khó thực hiện. Quá trình tái cơ cấu sẽ khả thi hơn nếu dựa trên tiềm lực hiện nay.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa phân tích, ví dụ tái cơ cấu đầu tư công, phải định hình được tỷ lệ là sau này là bao nhiêu trong GDP, cơ chế giám sát thế nào?

Tái cơ cấu DNNN cũng phải làm rõ DNNN sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế, nằm ở ngành nghề nào, vai trò chủ sở hữu Nhà nước, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu ra sao, cơ chế giám sát công khai, minh bạch thế nào.

Tái cơ cấu tài chính phải đặt ra chỉ tiêu huy động vốn như thế nào từ các kênh: ngân hàng, chứng khoán, trong nước, FDI là bao nhiêu.

Với cách làm hiện nay, ĐB Nhân lo lắng, đề án này chỉ mang tính tổng thể mà chưa thấy dựa trên đề án thành phần. 

“Chính phủ cần đánh giá sâu hơn quá trình tái cơ cấu sẽ tác động đến các mặt, sẽ phải bắt đầu từ đâu, như thế nào khi mà DN đang kiệt sức, nguồn vốn hạn hẹp, đầu ra tắc, thị trường thì trầm lắng”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói.

ĐB Thân Đức Nam, TP Đà Nẵng băn khoăn: Chính phủ cần có giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT để hỗ trợ DN. Dĩ nhiên, việc hỗ trợ này sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2012 nhưng nếu thiếu giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn suy giảm của DN, của nền kinh tế thì năm 2013 sẽ càng khó khăn.

“Đây là sự lựa chọn khó khăn. Nhưng DN có tồn tại thì mới nghĩ đến việc tái cơ cấu”, ĐB Thân Đức Nam nhấn mạnh.

Chiều nay, ba bộ trưởng các bộ về kinh tế sẽ có mặt để chia sẻ với các ĐB về nội dung tái cơ cấu này.

Phạm Huyền - Ảnh: Quang Khánh