- Phát biểu trước Quốc hội chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, một trong những công cụ huy động nguồn lực để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu là thành lập các công ty mua bán nợ. Bộ trưởng Tài chính thì cho biết những nguồn lực để tái cấu trúc DNNN.

Trước băn khoăn của đại biểu về việc tiền đâu mà tái cấu trúc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận “bất kỳ cuộc tái cấu trúc nào cũng phải có chi phí”.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng lưu ý, tái cấu trúc dứt khoát phải có nguồn lực rất lớn.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

Theo ông, kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy để giải quyết 10% nợ xấu của ngân hàng thì mất 10% GDP. Cuối những năm 1980, Nhật Bản sa vào tình trạng nợ xấu như Việt Nam bây giờ. Chính phủ định dùng 10% GDP để tái cơ cấu ngân hàng, nhưng bị phản ứng dữ dội từ dân chúng nên dừng lại, làm không hết. Kết quả Nhật Bản phải trả giá với hàng chục năm kinh tế trì trệ vừa qua.

Các chuyên gia nước ngoài nhắc nhở, Việt Nam đã làm thì phải quyết liệt, làm đến nơi đến chốn - Bộ trưởng Tài chính nói.

“Thực tế Việt Nam nghèo, ngân sách hạn hẹp, vì thế phải làm sao có nguồn lực đó bằng các công cụ khác nhau”, vị Thống đốc NHNN nói.

Với tái cấu trúc DNNN, Bộ trưởng Huệ cho hay, bên cạnh sử dụng quỹ sắp xếp tổ chức DNNN, sẽ huy động sự tham gia của tư nhân, các cổ đông chiến lược nước ngoài và nguồn ODA.

“Hiện nay ADB cam kết cho vay 600 triệu USD với lãi suất rẻ, thời gian ân hạn dài, ban đầu là khoản vay dành cho Tập đoàn Sông Đà trong 30 năm, lãi suất 0,5%/năm”.

Ông điểm ra các công cụ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch sử dụng để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lí “cục máu đông” nợ xấu như cách nói của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và phó đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch.

Cụ thể, ba công cụ là: kêu gọi, huy động mọi nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế tham gia; kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và can thiệp của Nhà nước.

Trong đó, Nhà nước can thiệp qua hai phương thức chính. Một là, trên cơ sở luật NHNN mới được thông qua kỳ trước, NHNN được quyền góp vốn mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng, khôi phục hoạt động của ngân hàng, sau đó kêu gọi mua lại. Nguồn thứ hai là thành lập các công ty mua bán nợ.

“Thực tiễn các nước trong khu vực và thế giới đã áp dụng thành công công cụ mua bán nợ trong thời gian qua. Vốn đều thu hồi lại, thậm chí cao hơn số đã bỏ ra”, người đứng đầu ngành ngân hàng trấn an.

Ông nói thêm, khối lượng đầu tư của ta rất lớn, Nhà nước chỉ tham gia với tư cách đòn bẩy, công cụ trong ngắn hạn.

Tháng 6 cơ bản xử lý xong ngân hàng yếu kém

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho hay, NHNN đã phân tích rất sâu sắc thực trạng hệ thống ngân hàng qua hơn 25 năm đổi mới, nêu rõ những tồn tại mà hệ thống phải khắc phục: các tồn tại xử lý ngay, trước mắt và nhóm tồn tại xử lý dài hạn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Trên thực tế, những nội dung tái cấu trúc đặt ra cho 2012 đã được triển khai trên thực tế. Chính phủ nhất trí trọng tâm hướng vào xử lý các ngân hàng thương mại đặc biệt yếu kém, với 9 ngân hàng thương mại cổ phần.

Đến nay, NHNN đã thanh tra toàn diện, tổ chức kiểm toán độc lập các ngân hàng này, tạo tiền đề cho các bước xử lý tiếp theo.

Tuần trước, Thường trực Chính phủ thông qua phương án cho 2 trong số 9 ngân hàng đó. Trong tháng 6 về cơ bản các phương án sẽ được thông qua. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng, NHNN sẽ đăng tải công khai, ông Bình nói.

Ông cũng nói thêm, với 9 ngân hàng buộc phải tái cấu trúc, trên cơ sở kiểm toán, thanh tra sẽ áp dụng phương châm tự xây dựng phương án xử lý. Chỉ khi ngân hàng không đưa ra được phương án tự tái cấu trúc, Nhà nước và NHNN mới tham gia xử lý.

Đến nay, cả 9 ngân hàng này đều đã tìm được phương án xử lý: tự khắc phục bằng cách kêu gọi nhà đầu tư mới, hoặc tìm đối tác để hợp nhất, sáp nhập.

Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng