- Trễ hạn hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho dân vào năm 2010 được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chỉ ra cơ bản do thiếu kinh phí, ước tính nhu cầu 30.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính cho rằng  "chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng".

Nợ "hứa"

Tại phiên chất vấn sáng 13/6, dẫn lời hứa người tiền nhiệm của Bộ trưởng Quang về việc phấn đấu đến 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các loại đất trên phạm vi toàn quốc, ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho hay đến nay, năm 2012, tỉ lệ đạt yêu cầu vẫn còn thấp, trong khi đây là việc "cấp bách".

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở nông thôn tỷ lệ đã cấp giấy chứng nhận đạt trên 85%. Còn 2 loại hiện nay đang còn thấp, đó là đất đô thị đạt 63% và loại đất chuyên dùng (liên quan đến các công sở) khoảng 60%.

Theo ông, điều nan giải là kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính. Nhu cầu cần khoảng 30.000 tỷ đồng mới có thể làm hết các thủ tục hồ sơ địa chính.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

Giải trình thêm về kinh phí, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng có vướng mắc về kinh phí nhưng vấn đề chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng.

Theo ông, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã giao cho UBND cấp tỉnh bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong điều kiện khó khăn tài chính hiện, Bộ sẽ trình Chính phủ chính sách đối với những địa phương khó khăn hàng năm dành một phần tăng thu trong ngân sách để làm công tác này.

Trước các ý kiến muốn dứt điểm giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tiếp tục hứa sẽ cố gắng để đến năm 2015 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận do điều kiện thực tế đang khó khăn.

Không đồng tình với mốc thời gian trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai bộ cùng với địa phương thực hiện cơ bản 2013 phải xong.

Đáp lại, Bộ trưởng Quang cho hay sẽ "phấn đấu" đến năm 2013 xong cơ bản. "Tôi nói xong cơ bản, tức là trên 80% của các nội dung còn lại là đất đô thị và đất chuyên dùng. Trong đó, rất mong muốn có sự ra tay của các địa phương và sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính".

Hơn 300 nghìn ha đất rừng cho nước ngoài thuê

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho hay liên tiếp các kỳ họp trước, nhiều đại biểu đã cảnh báo về việc có trên 10 tỉnh trong cả nước cho thuê đất với diện tích 305.353 ha đất rừng, thời hạn thuê trên 50 năm. Đáng chú ý, đây thuộc loại rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, trong khi đồng bào ở vùng này đang thiếu đất canh tác.

Đại biểu Lê Như Tiến

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho hay từ năm 2006 khi luật Đầu tư có hiệu lực thì toàn bộ việc cấp phép đầu tư cho các dự án thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả trong lâm nghiệp, đều thuộc thẩm quyền UBND các địa phương và thành phố trực thuộc Trung ương chứ Bộ KH-ĐT không cấp, chủ yếu quản lý chung, trừ những dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét.

Những dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh đều đã được xử lý không cho tiếp diễn. Cho đến nay không có tỉnh nào cấp phép thêm dự án về trồng rừng cho người nước ngoài ở các khu vực nhạy cảm. Bên cạnh đó, các dự án cũ cũng không cho thuê thêm diện tích.

Bên cạnh đó, Bộ cũng soạn thảo và trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 108 về việc thi hành luật Đầu tư. Theo đó, các dự án FDI sử dụng nhiều diện tích đất, dự án trồng rừng đặc biệt phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, ý kiến Bộ TN-MT,  NN-PTNT.

Tuy nhiên, ông cho rằng trách nhiệm về quản lý nhà nước thuộc về Bộ.

ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) hỏi Bộ trưởng TN-MT về việc bảo vệ sông Hồng trước “chất thải từ bên kia biên giới và trên lãnh thổ Việt Nam cùng với sự xâm lấn, khai thác nghiêm trọng làm thu hẹp biến đổi dòng chảy”.

Bộ trưởng Quang cho biết Bộ đã biết ô nhiễm ở Sông Hồng, hiện ở mức "khá nghiêm trọng" và đã cho đặt các hệ thống quan trắc ở đây, nhất là vào mùa khô. Trách nhiệm không chỉ có của phía Việt Nam mà còn có của phía bạn. Phần xả thải từ Lào Cai ra sông Hồng, các thành phố, các đô thị và các khu dân cư dọc sông Hồng phải nói cũng chiếm tỷ lệ khá lớn.

Việt Nam đã có cam kết, thỏa thuận để kiểm soát được ô nhiễm của dòng sông này xuất xứ từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sang.

Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và bàn bạc, trao đổi cam kết, ký kết giữa với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để đảm bảo môi trường dòng sông này. Tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ có chương trình bảo vệ sông Hồng.


Chung Hoàng - Ảnh: Quang Khánh