- Với phần trả lời sáng nay (15/6) của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khép lại hai ngày rưỡi chất vấn, có đại biểu hài lòng, có người chưa.


Muốn rõ trách nhiệm

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để đặt câu hỏi mà bà trăn trở từ đầu kỳ họp. Bà thấy trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện và triển khai.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa). Ảnh: Lê Anh Dũng

“Đề án nêu ‘có thể phải hy sinh lợi ích ngắn hạn để đổi lấy lợi ích tổng thể lâu dài, có thể chỉ phát huy tác dụng trong trung hạn, có thể tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao như kế hoạch, có thể thấp hơn so với trước và có thể tác động không thuận lợi đến những nhóm người liên quan, có thể phát sinh chi phí nhất định và những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới thực sự chưa rõ nét…’”, bà Khánh nói.

“Thủ tướng và Chính phủ đã thấy việc tổ chức thực hiện đề án chắc chắn chưa, nếu chắc chắn sao còn quá nhiều điều ‘có thể thành công, có thể không’ như vậy?”.

Bà Khánh cũng thấy trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, trong đề án có nhiều nội dung chưa được thí điểm. “Nếu không thành công, không đạt kết quả, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân thì trách nhiệm thuộc về ai?”. ĐB Hà Nội thấy cần có giải pháp khác tạo sự đồng thuận và yên lòng ở đại biểu và cử tri.

Trả lời câu hỏi dài này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngắn gọn: “Chính phủ sẽ tiếp thu những mặt tồn tại của đề án tái cơ cấu”.

Ông Phúc dẫn lời Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên thảo luận về đề án này ngày 8/6: “Do đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có nói về nội dung lớn trong đề án này nên QH sẽ không ra nghị quyết riêng. Trong kỳ họp này sẽ có kết luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế để Chính phủ hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện”.

Trao đổi bên hành lang giờ giải lao, ĐB Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra chính điều này làm bà lo ngại. “QH chỉ đồng ý về mặt chủ trương trong khi đề án này có rất nhiều điểm vô lý mà tôi đã chỉ ra một trong số đó”, bà Khánh nói.

“Tôi đặt câu hỏi để rõ ràng ai sẽ chịu trách nhiệm, Chính phủ hay Quốc hội. Nếu QH chỉ đồng ý về mặt chủ trương, sau này có vấn đề gì, QH không thể trách Chính phủ”.

Theo bà Khánh, Phó Thủ tướng đã né không trả lời thẳng vào câu hỏi của bà.

Sớm thực hiện lời hứa

Đặt câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ trong việc chấm dứt thất thoát, tham nhũng, đặc biệt sau một loạt vụ tham nhũng, lãng phí lớn gần đây, từ PMU18 đến Vinashin, Vinalines…, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại thấy “khá hài lòng” với câu trả lời của Phó Thủ tướng.

“Ông Phúc đã thừa nhận thẳng thắn những điểm yếu trong quá trình điều hành của Chính phủ trong quản lý nền kinh tế”, ông Thuyền nói. “Tất nhiên, phần giải pháp còn chưa đầy đủ”.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng đánh giá Phó Thủ tướng đã “trả lời trực diện” câu hỏi của ông về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Phó Thủ tướng đã hứa sẽ công khai, minh bạch hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, buộc họ công bố thông tin như các công ty niêm yết thị trường chứng khoán”, ông Lịch nói. “Tôi chỉ mong lời hứa đó sớm được thực hiện, chúng ta đã để quá lâu”.

Cũng đặt câu hỏi về phí bảo trì đường bộ, ông Lịch cho biết “không chỉ muốn tranh luận về pháp lý đúng sai, mà còn muốn kiến nghị xem lại mức thu”. “Đừng để thêm gánh nặng cho người dân trong thời điểm hiện nay”, ĐB TP.HCM nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thu theo hình thức quỹ và nếu thu phí này sẽ bỏ các trạm thu phí dọc đường hiện nay, theo ông Lịch là “hợp lý”. Song ĐB Trần Du Lịch cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị về mức thu và những phương tiện phải thu.

Chung Hoàng (ghi)